TIN VUIFlowchart: Document: Số 
152
31/08/2008

  

 


 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

 

 

 

 

 

 

NHƯ MỘT LỜI MỜI:

- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác

- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com

- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa

- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu

 

MỤC LỤC

SỐNG LỜI CHÚA..

PHÚC ÂM: Mt 16, 21-27.

BỎ NHƯNG KHÔNG MẤT, MÀ LẠI ĐƯỢC !

TU ĐỨC..

NHỚ VỀ ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN..

THÁNH AUGUTINH GIẢNG DẠY..

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI.

Đức Thánh Cha tiếp kiến hơn 8 ngàn tín hữu hành hương.

Lại một làn sóng bạo lực chống Kitô giáo ở Orissa, Ấn Độ: một nữ tu bị thiêu sống.

Vài tâm tình của Ðức Thánh Cha dịp Ðức Ông Georg được trao tặng tước vị "Công Dân Danh Dự" của Castel Gandolfo.

Ðức Thánh Cha Bổ Nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Monsengwo Làm Tổng Thư Ký Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục 12.

25 ngàn trường Công Giáo Ấn Độ đóng cửa.

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt bạo lực chống Kitô hữu tại Ấn Độ.

Indonesia: Chủng sinh và linh mục được kêu gọi đồng hành với người dân trên con đường chính trị

Một giám mục Trung quốc bị bắt đúng ngày Thế vận hội bế mạc.

Còn quá sớm để nói về việc Ðức Thánh cha viếng thăm Trung Quốc.

Đại hội giới Hiền Mẫu Giáo hạt Đức Tánh.

Thư Năm Học 2008-2009 gửi Sinh viên- Học sinh Công giáo Giáo phận Kontum..

Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt (Phóng Sự dài 5 Kỳ).

Hành hương Năm Thánh của Hội Con Đức Mẹ Bùi Chu.

Caritas sẽ đồng hành để đóng góp cho hạnh phúc, hoà bình, thịnh vượng của toàn thể gia đình nhân loại

Cuộc hành trình “Thắp sáng Trại phong Di Linh” của ca đoàn giáo xứ Xóm Chiếu Sàigòn.

Ngày hội giáo lí tại giáo xứ Nguyệt Ðức, Bắc Ninh.

GIỚI HIỀN MẪU GIÁO HẠT ĐÀLẠT MỪNG LỄ BỔN MẠNG..

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI NHÀ THỜ CHÁNH TÒA ĐÀLẠT.

Các tu sĩ Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam hành hương về Đất Tổ.

TÌM HIỂU &SỐNG ĐẠO..

THẬP GIÁ..

LÁI XE AN TOÀN: MỘT ĐÒI HỎI CỦA ĐẠO ĐỨC..

MẦU NHIỆM THẬP GIÁ..

Bi hài một chiếc răng sún!

Tài liệu Thường huấn Linh mục Giáo Phận Nha Trang, Năm Thánh Phaolô 2008.

Bài 5:

SỰ HOÀ GIẢI THEO TINH THẦN CỦA PHAOLÔ..

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH..

Giảng lễ Hôn Phối :

MIẾNG TRẦU..

Những lưu ý khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi

ĐỌC SÁCH..

GIỜ THỨ 25.

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa Nhật XXII Thường Niên A

PHÚC ÂM: Mt 16, 21-27

"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm". Đó là lời Chúa

BỎ NHƯNG KHÔNG MẤT, MÀ LẠI ĐƯỢC !

Đi vào thế giới nghịch lý của Tin Mừng bạn sẽ bắt gặp nhiều điều mới lạ, thú vị và bất ngờ.

 

Tại sao, bỏ nhưng không không mất, mà lại được ? Bỏ thì phải mất chứ, sao lại được ? Đây là chủ đề mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Chủ đề này liên quan đến người Kitô hữu, là những người muốn đi theo Chúa, muốn làm môn đệ của Ngài. Chủ đề này không những liên quan mà còn là bản chất, là yếu tố cấu thành người môn đệ.

 

Trước khi nói đến bỏ cái gì, và được cái gì. Xin mời bạn, chúng ta cùng gặp Thầy Giêsu, để chia sẻ những cám dỗ mà Thầy chúng ta đã trải qua, mặc dầu Ngài là Con Thiên Chúa : Cám dỗ bởi ma quỷ trong sa mạc, cám dỗ bởi đám đông đòi xem phép lạ từ trời. Cám dỗ bởi nhiều người thách xuống khỏi thập giá. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Thầy Giêsu lại bị cám dỗ bởi Phêrô, người mà Ngài đặt làm nền tảng cho Hội Thánh. Cám dỗ này nguy hiểm biết chừng nào ! Vì đến từ tình thương của một môn đệ.

 

Phêrô không thể nào chấp nhận được,Thầy Giêsu mà ông đã thấp thoáng thấy Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, lại chịu đau khổ và chịu chết. Vì quá thương Thầy, Phêrô đã mạnh dạn kêu riêng Thầy ra và bắt  đầu trách Người “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” . Thầy Giêsu đã mạnh mẽ chống lại cơn cám dỗ này. Ngài nói với Phêrô như nói với Satan trước đây : “Satan lui lại đàng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

 

Trong trường hợp này Phêrô đã quên mất vị trí của người môn đệ là phải đi sau Thầy, ông lại chạy lên phía trước, và Thầy Giêsu đã nhắc nhở ông. Có một điều mà Phêrô không ngờ, đó là vì tình thương mà ông đã trở thành viên đá làm Thầy suýt vấp. Suy nghĩ của Phêrô là suy nghĩ tự nhiên, suy nghĩ của con người, không phải là lối đi của Thiên Chúa. Cuối  cùng thì Phêrô chấp nhận đau khổ của Thầy mình, và hiến dâng tất cả vì yêu thương Thầy.

 

Chắc bạn cũng đồng ý với tôi, sống ở đời ai cũng chỉ muốn được mà không muốn mất. Thế mà Thầy Giêsu của chúng ta lại bảo ; “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Bỏ những vật mình sở hữu đã khó, bỏ chính mình thì khó biết bao ! Thế mà bỏ chính mình rồi cũng chưa đủ, còn phải các thập giá mình mỗi ngày nữa !

 

Thầy ơi ! Sao Thầy đòi hỏi nhiều vậy ? – Chúa có lý do. Ta thử tìm lý do nào mà Thầy Giêsu đòi hỏi gắt gao như vậy. Điều kiện để trở thành môn đệ Thầy Giêsu là từ bỏ mình.

 

Từ bỏ mình là đánh mất chính mình. Nói theo kiểu triết học là “tha hóa, vong thân” thì không tốt chút nào. Nhưng với cái nhìn thần học thì từ bỏ mình không có nghĩa xấu, vì bỏ mình để trở nên giống Thầy Giêsu, nói theo kiểu Thánh Phaolô : đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Như vậy là trở về với bản chất nguyên thủy của con người. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài. Bỏ mình  hay liều mạng vì Thầy Giêsu là trở về với chính mình, khẳng định mình.

 

-          Vác thập giá mình. Kiểu nói này có nhiều nghĩa :

 

a/ Chấp nhận những khổ đau đến với con người, như Thầy Giêsu đã thực hiện.

 

b/ Theo luật Rôma thì những người bị vác thập giá là những người đã bị xử án tử, như thế vác thập giá có nghĩa là liều mạng vì Thầy Giêsu. Chết cho Thầy Giêsu. “Ai liều mạng sống mình vì Thầy, sẽ tìm lại được”.

 

-          Bỏ mình và hiến dâng : Thầy Giêsu đùng từ bỏ mình, thánh Phaolô lại nói hiến dâng “Anh em  hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động cho Thiên Chúa”. Từ bỏ mình hay hiến dâng cũng đều có nghĩa trao ban chính mình. Thánh nữ Têrêsa  Hài Đồng đã  nói : “Yêu là cho tất cả, và trao ban chính bản thân mình”. Thánh Phanxicô Assisi khẳng định : “Chính lúc quên mình, là lúc  gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”.

 

Từ bỏ xem ra là nghịch lý nhưng thực sự là bình thường đến nỗi trở thành qui luật của cuộc sống. Từ bỏ là quy luật của sinh tồn nếu không bỏ bộ phận đang bị hoại tử, sẽ chết. Từ bỏ còn là quy luật của phát triển : Cơ thể con người hằng ngày, hằng giờ bỏ đi những chất thải, những tế bào già nua …bỏ đi những cái không thích hợp, chưa tốt, lấy cái thích hợp hơn và tốt hơn. Có bỏ đi mới có nhận được.

 

Thầy Giêsu đã mất đi tất cả và đã được lại tất cả. Đó là lý do khiến bạn dám sống từ bỏ, hy sinh, dám vượt lên trên lối sống thực dụng, ích lỷ của thời đại thị trường : Lấy đồng tiền làm tiêu chuẩn.

 

Phần thưởng bạn lãnh nhận không cần phải chờ đến đời sau, mà ngay bây giờ, vào lúc này, khi bạn dám từ bỏ và chọn Thầy Giêsu : Bạn được bình an, hạnh phúc trong đời sống yêu thương phục vụ.

 

Linh mục Giuse Lê Hiền, Hạt trưởng Cà Mau

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

NHỚ VỀ ĐỨC CỐ HỒNG Y

PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN

 

Dịp Quốc Khánh, tôi nghĩ tới những gì tôi đã lãnh nhận và những gì tôi đã cho đi. Tôi thấy tôi đã cho đi quá ít, nhưng đã lãnh nhận rất nhiều.

 

Đối với tôi, những lãnh nhận, mà tôi phải biết ơn nhiều nhất, sẽ là những lãnh nhận về mặt tinh thần và mặt đạo đức.

 

Tôi đã lãnh nhận các giá trị từ Thiên Chúa của tôi. Người đã ban tặng nhiều ơn cho tôi qua nhiều phương tiện. Trong đó có những bạn bè.

 

Hôm nay, tôi xin nhắc tới cách riêng người bạn thân thiết của tôi. Đó là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

 

 "Chú Tuần ơi ", lúc này tôi đang nghe Ngài gọi tôi. Tôi cảm nhận hơi thở ấm áp và tình yêu thân tình trong lời gọi thân thương ấy.

 

Những gì tôi chia sẻ ở đây về Ngài sẽ không phải là tất cả những gì tôi biết về Ngài. Cũng như tất cả những gì tôi biết về Ngài sẽ không phải là tất cả sự thực bao la về Ngài.

 

Tôi sẽ chỉ nói về những giá trị thiêng liêng, tôi được Ngài chia sẻ cho.

 

1/ Tha thứ

 

Đã có những đau đớn gây nên cho Ngài và gia đình Ngài trong biến cố đảo chánh tháng 11 năm 1963.

 

Đã có những cay đắng gây nên cho bản thân Ngài trong sự kiện Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Giáo phận Sàigòn.

 

Đã có những xót xa gây nên cho Ngài do thiên kiến, trong thời gian Ngài chịu thử thách ở ngoại quốc.

Ngài luôn tha thứ với lòng khoan dung.

 

Ngài hay kể cho tôi về một gương tha thứ đã gây ấn gượng sâu sắc đến đời Ngài, gương sáng đó là mẹ Ngài. Mẹ Ngài chịu đựng tất cả, và tha thứ tất cả.

 

Tôi đã gặp mẹ Ngài. Tôi thấy sự tha thứ của hai mẹ con Ngài là một chọn lựa tự do phát xuất từ động lực mến Chúa yêu người cao độ. Vì thế mà sự tha thứ của các ngài toát ra một tinh thần Phúc Am thanh thản đầy tính cách xây dựng.

 

Một lần Ngài kể cho tôi chuyện này: Trong một giáo xứ nọ có một bà giáo dân bỗng dưng tới cha xứ, quả quyết rằng bà đã được Chúa Giêsu hiện ra. Cha xứ trả lời là cha không tin. Nhưng để có chứng để cha tin, thì xin bà, lần tới Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Chúa xem Chúa có nhớ tội nào mà cha xứ mới xưng không. Vài ngày sau, bà tới cha xứ trình rằng: Chúa mới hiện ra với con, con đã hỏi Chúa như cha dặn. Chúa trả lời rằng: Cha xứ mới đi xưng tội. Nhưng Chúa quên hết mọi tội ngài xưng.

 

Nghe vậy, cha xứ nói: Bây giờ thì tôi tin Chúa đã hiện ra với bà. Chúa tha tội, xoá tội. Chúa không muốn nhớ lại những tội Chúa đã tha.

 

 Theo tôi, chính ở sự tha thứ mà Đức Cố Hồng Y đã trở nên con ngu?i dễ thuong và cao thu?ng.

Ngài thường nói với tôi: Chúng ta nên nghĩ về tương lai nhiều hơn. Nhìn xa về tương lai, Ngài khuyên tôi điều gì?

 

2/ Đào tạo

 

Đức Hồng Y Thuận hay nhìn về tương lai của Giáo Hội và Đất Nước Việt Nam. Tương lai đó sẽ ra sao, điều đó tuỳ ở những người hôm nay có biết dùng hiện tại để đào tạo nhân sự hay không. Nhân sự mà Ngài muốn đào tạo là những người sẽ phải có đủ thực lực về đạo đức, về trí thức và chuyên môn.

 

Thực lực là yếu tố cần để đối thoại giữa một thế giới đề cao đối thoại b?ng việc làm.

 Thực lực là yếu tố cần để phục vụ giữa một xã hội đòi phục vụ tốt.

 Thực lực là yếu tố cần để sống còn giữa một nhân loại sống theo cạnh tranh giữa các giá trị.

 

Một trong những ưu tiên Ngài muốn nơi việc đào tạo nhân sự Hội Thánh là phải hiểu biết những giá trị xã hội . Những giá trị xã hội theo cái nhìn của Hội Thánh sẽ không thể nắm được, nếu việc đào tạo nghiêng về khép kín đóng khung, hình thức.

 

Cởi mở của tôi về phía xã hội được Ngài khuyến khích. Chân thành trung hiếu của tôi về phía Toà Thánh được Ngài ủng hộ.

 

Tất cả với tinh thần trách nhiệm. Tất cả với sự tự do của con cái Chúa. Tất cả với mục đích làm chứng cho triển vọng đóng góp xây dựng một Hội Thánh phát triển trong một Đất Nước phát triển theo hướng Phúc Âm và Công Đồng.

Nhờ đó, tôi được Ngài giúp, để sự cộng tác của tôi với Toà Thánh mỗi ngày mỗi khăng khít hơn. Nhờ đó, sự trân trọng của xã hội Việt Nam dành cho Ngài mỗi ngày mỗi tăng thêm.

 

Những năm tháng cuối đời, việc Ngài dự định về thăm quê hương Việt Nam đã được xúc tiến ở cấp cao. Tôi là nhân chứng. Chỉ còn đợi các chuẩn bị cần thiết, thì sẽ thực hiện. Nhưng Ngài qua đời trước đó, với nhận thức mình được xã hội Việt Nam quý mến, ngưỡng mộ, vì chủ truong hoà giải .

 

3/ Hy vọng

 

Nói về Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận là nói tới hy vọng. Hy vọng là con đường thiêng liêng Ngài đã đi.

 

Ngài đã khai triển con đường đó trong cuốn "Hy vọng" của Ngài. Một cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được mến chuộng rất nhiều tại Việt Nam.

 

Ở đây, tôi chỉ xin nhắc qua đến niềm hy vọng, mà Ngài đã chia sẻ cho tôi trong tình bạn thân thiết và trong liên đới của những người mục tử có một số hoàn cảnh giống nhau.

 

Mỗi lần, tôi hỏi Ngài về niềm hy vọng, thì đều được Ngài nhắc tới Tám mối phúc thật.

 

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì...

"Phúc thay ai hiền lành, vì...

"Phúc thay ai sầu khổ, vì...

"Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì...

"Phúc thay ai xót thương người, vì...

"Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì...

"Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì...

"Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì..." (Mt 5,10).

 

Ngài luôn nhắc tới những hy sinh. Khi sống hy sinh, ta hy vọng được Chúa ban cho hạnh phúc, như kinh Tám mối nói.

 

Nhưng Ngài khuyên tôi: Không phải khổ đau nào cũng đưa tới hạnh phúc. Nhưng chỉ những khổ đau nào được Chúa chấp nhận. Vì thế không nên quá để ý đến  những việc làm hay chịu gọi là vì Chúa, mà hãy nhìn vào chính Chúa. Chúa nhìn thấu rõ mọi sự. Chỉ Chúa là hy vọng thực và là hạnh phúc thực  của chúng ta.

 (

 Chú Thuận ơi, xin nhớ về chú.

 

 Tôi gọi Ngài lúc này như đã gọi Ngài khi Ngài còn sống. Những tiếng gọi âm thầm, nhưng ngân xa niềm hy vọng.

 

Long Xuyên, ngày 25/8/2008

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

 THÁNH AUGUTINH GIẢNG DẠY 

 

    Sắp tới lễ kính thánh Augutinh (28/8). Thánh Augutinh có ba đặc điểm:

  

  - Con người trở lại,

    - con người tiến sĩ,

    - con người mục tử.

    Ngài để lại ba loại tác phẩm quan trọng:

    - Các sách,

    - các bài giảng,

    - các thư.

 

    Các bài giảng của Ngài rất được người ta hâm mộ. Sự hâm mộ ấy chứng tỏ nội dung các bài giảng có gì đặc sắc.

 

    Nếu muốn đưa ra mấy nét chính của nội dung ấy, chúng ta có thể giản lược vào bốn điểm như sau:

 

    1/ Đức Kitô

 

    Đức Kitô là nội dung nổi bật nhất của các bài giảng thánh Augutinh.

 

    Thánh nhân giảng là có mục đích kể về Đức Kitô, giúp hiểu biết Đức Kitô, yêu mến Đức Kitô và gắn bó với Đức Kitô mỗi ngày mỗi khăng khít hơn.

 

    Thánh nhân hay gọi Đức Kitô là thầy dạy trong nội tâm, bằng ngôn ngữ nội tâm . Người ta giảng dạy bên ngoài. Còn Đức Kitô dạy bên trong bằng những tâm sự riêng tư, những kêu mời âm thầm, những chỉ vẽ cho biết con đường phải đi.

 

    Nhờ đó, những lời giảng về Lời Chúa trở nên lương thực bồi bổ, đầy hương vị.

 

    Khi giảng, Ngài hết sức kéo người ta lắng nghe Chúa Kitô, chứ không có ý kéo ai gắn bó với chính mình Ngài.

 

    Ngài giảng Lời Chúa như chia sẻ lương thực, đó là Chân lý cứu độ.

 

    Ngài hay đưa ra lời khuyên nọ, lời chỉ dẫn kia, nhưng thường sau đó Ngài thú nhận địa vị Ngài là giới hạn, để thôi thúc mọi người hãy tìm đến Đức Kitô là thầy dạy bên trong.

 

    Điều quan trọng Ngài hay nhấn mạnh là hãy hướng lòng mình lên Đức Kitô. Trái tim ta được Chúa dựng nên để hướng về Chúa, nên nó sẽ không được an nghỉ cho tới khi nó hướng về Đức Kitô thực sự.

 

    Sự hướng lòng mình về Đức Kitô đòi phải qua yêu thương mọi người.

 

    2/ Bác ái

  

  Thánh Augutinh coi sự yêu thương người khác là phương cách để đến với Đức Kitô.

 

    Một câu Ngài nói đã thành châm ngôn: Hãy yêu thương, rồi hãy làm sự con muốn. Nếu con thinh lặng, thì hãy thinh lặng vì yêu thương. Nếu con nói, thì hãy nói vì yêu thương. Nếu con sửa lỗi, thì hãy sửa lỗi vì yêu thương. Nếu con tha thứ, thì hãy tha thứ vì yêu thương. Ở đáy lòng con hãy có rễ bác ái. Từ rễ bác ái sẽ mọc lên mọi việc làm.

 

    Nghe thánh nhân giảng về bác ái, người ta dễ nhớ tới thánh Gioan thánh sử, tông đồ tình yêu.

 

    Lý tưởng tối thượng Ngài đặt ra cho dòng Ngài lập ra, là lý tưởng bác ái huynh đệ. Người ta còn thuật lại rằng: Ngài truyền viết ở tường nhà cơm Dòng câu này: "Những ai hay nói xấu kẻ vắng mặt, thì không đáng ngồi ăn trong phòng này".

 

    3/ Tình hình đạo lúc đó

 

    Khi giảng, thánh Augutinh cũng hay nói về tình hình đạo lúc đó.

 

    Giáo Hội Ngài lúc đó có những người Do Thái, những người dân ngoại, những người Kitô giáo.

 

    Khi đề cập đến các người kitô giáo, Ngài không ngại kể ra những điều xấu của họ. Ngoài những phong trào tư tưởng lầm lạc, cộng đoàn kitô giáo cũng đầy những tội lỗi. Ngài ái ngại nhất là loại người bề ngoài thì thế này, bề trong thì thế khác.

 

    Ngài ví tình hình đạo lúc đó như lưới cá, trong đó có cá tốt và cũng có cá xấu, hoặc như ruộng lúa có cỏ lồng vực pha vào.

 

    Làm mục vụ, thánh Augutinh luôn đề cao vai trò ơn thánh. Ơn thánh là tuyệt đối cần cho việc trở lại và thánh hoá cứu độ.

 

    Một chi tiết Ngài tiết lộ đáng chúng ta phải sợ. Đó là Ngài kể ra gánh nặng Giám mục của Ngài một phần là do tín hữu. Có những ngày Ngài phải nghe xử kiện không còn giờ nghỉ và giờ ăn cơm. Ngài chia sẻ thánh giá của đoàn chiên.

 

    4/ Cái "tôi"

 

    Thánh Augutinh không ngại nói về cái tôi của Ngài như một chứng từ. Ngài nhận mình phải chiến đấu với nhiều cơn cám dỗ. Ngài nhận mình luôn phải kêu van với Chúa, để tìm nơi Chúa sự nâng đỡ. Ngài thú nhận: Ngài biết mình Ngài hơn mọi người khác biết Ngài. Nhưng Chúa biết Ngài hơn Ngài biết Ngài.

 

    Ngài cũng chia sẻ cả những giây phút Ngài muốn trốn trách nhiệm, nhưng không trốn được lương tâm. Ngài tâm sự về sự Ngài đã lưỡng lự, khi gặp chiến tranh, hoặc ra đi, hoặc ở lại.

 

    Ngài thú nhận Ngài có nhiều tội lỗi cần phải sám hối. Nhưng Ngài cũng tuyên xưng Ngài đã nhận được vô vàn ơn Chúa cần phải cảm tạ và ca tụng. Ngài tâm sự về Ngài một cách chân thành và khiêm tốn.

 

    Với những đặc điểm của nội dung trên đây, các bài giảng của thánh Augutinh đã trở thành một kho tàng thiêng liêng. Biết bao người đã tìm được trong kho tàng đó những chân lý cần thiết cho phần rỗi mình và cho việc truyền giáo.

?

 

    Chúng ta thấy thánh Augutinh là một tác phẩm tuyệt vời của Chúa.

 

    Xin hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh ơn trọng đại đó.

 

    Cầu xin cho các mục tử được bắt chước Ngài trong việc giảng dạy và được Ngài bầu cử chở che. Ngài là con người của thời xưa, nhưng cũng là con người hợp với thời sự hôm nay.

 

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Đức Thánh Cha tiếp kiến hơn 8 ngàn tín hữu hành hương

VATICAN. Sáng 27-8-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã mở lại các cuộc tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ tư tại Vatican, sau 7 tuần lễ bị gián đoạn.

Ngài đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo về Roma để khởi sự buổi tiếp kiến lúc 10 giờ 30 tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican. Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC đã tiếp tục loại bài giáo lý về thánh Phaolô Tông Đồ, nhân dịp năm nay là năm kỷ niệm 2000 năm sinh nhân của thánh nhân. Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, tôi muốn nối tiếp bài giáo lý của tôi về thánh Phaolô để gợi lại toàn thể cuộc sống của thánh nhân, như sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của ngài trình bày cho chúng ta. Thánh Tông Đồ sinh tại thành Tarso, thuộc miền Cilicia. Ngài vốn là người Do thái sinh sống ở hải ngoại và là công dân Roma, nói tiếng Hy Lạp. Saulo học nghề làm len và vải thô. Năm 12 tuổi, Saulo rời thành Tarso, đến sống tại Jerusalem để đón nhận giáo huấn của Rabbi Gamaliel, theo các qui luật nghiêm ngặt của giới biệt phái. Lòng nhiệt thành đối với giáo pháp đã đưa Saulo đi bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi. Chính trên đường đi Damas mà cuộc sống của Saulo đã bị thay đổi. Tôi sẽ nói về biến cố này vào tuần tới. Cuộc hoán cải của Saulo đã biến ngài thành chứng nhân của Chúa Giêsu và thành môn đệ không biết mệt mỏi của Tin Mừng nơi các dân nước. Ngài đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo. Barnabê là bạn đồng hành của thánh nhân trong cuộc hành trình thứ I; Sila và Timôthê tháp tùng thánh Phaolô trong hành trình thứ II; cùng với hai ông, thánh Phaolô đi tới các thành phố lớn ở miền Tiểu Á và Hy Lạp. Ngài bị bắt trong hành trình thứ III vì một hiểu lầm, và thánh nhân khiếu tại tới hoàng đế La Mã bấy giờ là Nero. Pháp quan Porcius Festus của La Mã đã gửi Phaolô đến Roma, ngài bị quản thúc hai năm tại đây trước khi được trả tự do. Lưu Truyền nói rằng thánh nhân bị cầm tù lần thứ 2 và chịu tử đạo.

Ước gì gương thánh Phaolô dạy chúng ta làm chứng không biết mệt mỏi về Chúa Kitô và can đảm đương đầu với những thử thách của cuộc sống, để đặt những thử thách ấy dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Như thánh nhân, chúng ta hãy quan tâm tới các dân nước trong kinh nguyện và trong sự dấn thân truyền giáo của chúng ta”.

Trước bài tóm tắt bằng tiếng Pháp trên đây, trong phần đầu của buổi tiếp kiến, sau phần tôn vinh Lời Chúa với bài đọc một đoạn thư của Thánh Phaolô, nói về sự quyết tâm của Thánh Nhân trở nên mọi sự cho mọi người, để góp phần cứu vớt mọi người, ĐTC đã diễn giảng sâu rộng bài giáo lý bằng tiếng Ý. Nhiều lúc ngài dừng lại để ứng khẩu giải thích.

ĐTC nhận định rằng ngày sinh của thánh Phaolô tông đồ phần lớn tùy thuộc thời điểm của Thư gửi Filemone. Theo truyền thống, lá thư này được viết sau trong thời gian thánh Phaolô bị cầm tù ở Roma, tức là khoảng giữa thập niên 60. Thánh Phaolô sinh ra năm thứ 8, vì thế, lúc đó ngài hơn kém 60 tuổi, và khi thánh Stephano bị ném đá, thì ngài được 30 tuổi. Ngày tháng đó kể là chính xác, và việc mừng kỷ niệm 2000 sinh nhật của thánh Phaolô mà chúng ta đang cử hành, là theo thời kỳ ấy. Năm 2008 được chọn vì thánh nhân sinh ra hơn kém vào năm thứ 8.

ĐTC cũng giải thích thêm rằng thành Tarso nơi thánh Phaolô sinh ra bấy giờ là thủ phủ hành chánh của miền nam Cilicia, và năm 51 trước Chúa Kitô, quan lãnh sự ở đó là ông Marco Tullio Cicerone. 10 năm sau đó, tại Tarso đã diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Marco Antonio và Cleopatre.

Khi tới Jerusalem, Saulo đã theo học tài trường của Rabbi Gamaliele đại lão, vốn là cháu của Đại Rabbi Hillèl. Theo truyền thống đạo lý chính thống đã học hỏi được, Saulo nhận thấy phong trào do Đức Giêsu thành Nazareth khởi xướng là một nguy cơ đe dọa căn tính của Do thái giáo là đạo thật của cha ông để lại, vì thế ông đã hăng say đi bách hại Giáo Hội mới này, hành động mà sau này, 3 lần trong các thư, Thánh Phaolô gọi là việc 'bách hại Giáo Hội của Thiên Chúa” (1 Cor, 15,9; Gal 1,13; Fil 3,6). Cho dù không dễ tưởng tượng việc bách hại ấy hệ tại làm gì, nhưng chắc chắn thái độ của Saulo là một thái độ bất bao dung. Và chính trong bối cảnh này đã xảy ra biến cố trên đường đi Damas.

Trong bài giáo lý bằng tiếng Ý, ĐTC trình bày với nhiều chi tiết hơn về 3 cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô Tông Đồ, và đặc biệt là hành trình tới Roma, qua đảo Creta rồi Malta, đến thành phố Siracusa, Reggio Calabria và Pozzuoli. Các tín hữu Kitô đến gặp thánh nhân trên đường Appia cho đến Foro di Appio, cách Roma 70 cây số. Tại Roma, thánh nhân đã gặp gỡ đại biểu các cộng đoàn Do thái, và cho biết chính vì niềm hy vọng của Israel mà mình phải mang xiềng xích như thế này (TĐCV 28,20).

ĐTC cho biết ngài sẽ trình bày sau này về cuộc tử đạo của Thánh Phaolô và ngài mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa làm cho chúng ta, giống như thánh nhân, cũng được thấy ánh sáng của Chúa, để tâm hồn chúng ta cũng được Lời Chúa đánh động, và có thể mang lại Ánh sáng Tin Mừng và sự thật của Chúa Kitô cho thế giới ngày nay đang khao khát Tin Mừng.

Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến, ĐTC dùng tiếng Ý để chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới, ngài nói: ”Ước gì mẫu gương của thánh nữ Monica mà Giáo Hội kính nhớ hôm thứ tư này và thánh Augustino Giáo Hội kính như thứ năm ngày mai giúp các tín kiên cường tín thác nhìn lên CHúa Kitô là ánh sáng giữa những khó khăn, là sự nâng đỡ giữa những cơn thử thách và là vị hướng dẫn trong mọi lúc của cuộc sống con người”.

Mục lục

Lại một làn sóng bạo lực chống Kitô giáo ở Orissa, Ấn Độ: một nữ tu bị thiêu sống

Bubaneshwar (AsiaNews) - Theo sĩ quan cảnh sát Ashok Biswall, một nhóm Ấn giáo quá khích đã tràn vào trại mồ côi ở quận hạt Bargarh (Orissa) và thiêu sống một nữ tu Công Giáo. Một linh mục hiện diện trong trại mồ côi cũng bị thương nặng và đang được chữa trị trong bệnh viện vì những vết bỏng đa chất thương. Một nữ tu khác ở Trung Tâm Xã Hội Bubaneshwar thì bị một nhóm Ấn giáo quá khích cưỡng hiếp tập thể trước khi toà nhà tiện khi bị đốt cháy. Các nguồn tin cho Tin Tức Á Châu hay rằng tại một nơi khác, một linh mục bị thương và hai người bị bắt cóc. Loạt hành động bạo lực chống Kitô giáo vì thế mà dài thêm.

Hai ngày trước, 23/08/2008, bang Orissa (Đông Bắc Ấn Độ) đã bị phủ bóng bạo lực sau vụ sát hại vị lãnh đạo Ấn giáo cấp tiến là Thầy giảng Laxanananda Saraswati. Các nhà thờ, các trung tâm của cộng đoàn và trung tâm mục vụ, các trại mồ côi cũng bị tấn công hôm 24/08. Ngày 25/08, nhiều đám đông lớn tiếng “Giết các Kitô hữu; phá hủy các cơ sở của chúng”.

Căng thẳng ở bang này vẫn còn dâng cao. Tổ chức Ấn giáo Vishwa Hindu Parishad (VHP) còn có kế hoạch biểu tình trong hai ngày 25 và 26/08. Các tốp Ấn giáo cuồng tín thuộc VHP cũng như Sangh Parivar đang dạo quanh các đường phố, làng mạc, chặn các lối đi, đưa các thành viên thành viên của chúng đột kích cướp bóc và gây rabạo lực.

Theo các tường thuật trực tiếo thì Trung Tâm xã hội của Tổng Giáo phận cũng bị tấn công và đốt phá. Trước đó những kẻ tấn công cũng đã cưỡng hiếp Nữ tu Meena, một nữ tu làm việc tại trung tâm. Trung Tâm Mục vụ địa phương, vốn thoát khỏi làn sóng bạo lực hồi tháng Mười Hai, giờ cũng bị phá hủy hoàn toàn. Cha Thomas, người điều hành trung tâm này đang nằm viện vì bị thương nghiêm trọng ở đầu.

Cha Ajay Singh cho Tin Tức Á Châu hay một nữ tu đã bị thiêu sống trong trại mồ côi mà nữ tu điều hành ở quận Bargarh. Các nữ tu của Mẹ Têrêsa cũng bị những người Ấn giáo tấn công bằng cách ném đá làm cho một người bị thương nghiêm trọng. Tất cả các cơ sở Kitô giáo hiện đang gặp nguy hiểm vì các tốp Ấn giáo quá khích đang lang thang trên các đường phố, đập phá cửa chính, đập vỡ cửa sổ, gồm một số trường hợp là nhà của Kitô hữu. Nhiều linh mục và nữ tu phải trốn chạy.

Ở Bubaneshwar, các chiến binh Ấn giáo ném đá vào Toà Tổng Giám Mục nhưng không dám vào bên trong vì sự hiện diện của cảnh sát.

Ở Phulbani, nhà thờ giáo xứ và nhà của giáo sĩ địa phương bị tất công và đốt cháy. Tất cả linh mục địa phương phải trốn chạy và tìm nơi ẩn náu tại tại nhà của các thành viên tu hội địa phương. Nhà trọ sinh viên theo học ở Phulbani cũng bị đốt.

Một số nhà truyền giáo Bác ái tham dự một khoá học về y tế ở Brahamanigoan cũng bị chặn lại nhiều giờ trong làng.

Các nữ tu ở nơi khác cũng phải rời bỏ tu viện của họ để tìm nơi ẩn náu ở một số trường học.

Mục lục

 

Vài tâm tình của Ðức Thánh Cha dịp Ðức Ông Georg được trao tặng tước vị "Công Dân Danh Dự" của Castel Gandolfo.

Thứ Năm ngày 21 tháng 8 năm 2008, bào huynh của Ðức Bênêđitô XVI, Ðức Ông Georg Ratzinger, 84 tuổi, đã được Hội Ðồng Thành Phố Castel Gandolfo trao tặng tước vị "Công Dân Danh Dự" của Castel Gandolfo.

Tước vị được trao tặng, xét vì sự đóng góp đặc biệt của Ðức Ông vào Thánh Nhạc, trong vòng 30 năm, như là "Giám Ðốc Ban Nhạc Nhà Thờ Chính Toà Regensburg", giáo phận Regensburg, Ðức Quốc.

Trong bài diễn văn ngắn trong dịp trao tặng tước vị "Công Dân Danh Dự", ÐTC đã bộc lộ vai trò của bào huynh Georg Ratzinger trong đời sống mình như sau: "Từ lúc đầu đời cho đến nay, anh tôi không những luôn luôn là người đồng hành bên cạnh, mà còn là người hướng đạo đáng tin tưởng. Anh tôi là điểm định hướng và là điểm tham khảo cho tôi, nhờ cái nhìn rõ ràng và những quyết định vững chắc của anh. Luôn luôn và nhất là trong những lúc khó khăn, anh Georg luôn chỉ cho tôi biết con đường phải theo.

Sinh ngày 15 tháng Giêng năm 1924, Georg Ratzinger lớn hơn ÐTC 3 tuổi; ngay từ nhỏ, Georg đã chứng tỏ mình có khiếu về âm nhạc. Lúc 11 tuổi, Georg Ratzinger đã bắt đầu đàn dương cầm những bản nhạc cổ điển trong nhà thờ tại quê hương mình. Hai anh em Georg và Josef Ratzinger có người chị là Maria Ratzinger, đã qua đời năm 1991.

Như là "Giám Ðốc" của Ban Nhạc Nhà Thờ Chính Toà Regensburg", từ năm 1964 cho đến khi nghỉ hưu, Ðức Ông Georg Ratzinger đã điều khiển hàng trăm buổi hoà nhạc tại khắp nơi trên thế giới. Ðức Ông cũng đã thực hiện nhiều lần thu nhạc hoà tấu cổ điển cho các hãng nhạc khác nhau. Ðức Ông chuyên thích nhạc cổ điển của Johann Sebastian Bach, Heinrich Schutz và Félix Mendelssohn.

Trong bài diễn văn nói trên, Ðức Thánh Cha đã nhắc lại những năm tháng anh Georg của mình điều khiển Ban nhạc tại Nhà Thờ Chính Toà Regensburg, nhất là khi ÐTC còn sinh sống và giảng dạy thần học tại Regensburg. ÐTC tâm sự thêm như sau: "Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, các bản nhạc được trình diễn tại nhà thờ Chính Toà, đã mang đến cho tôi sự nâng đỡ, sự ủi an, niềm vui sâu xa và nhất là một suy tư về cái đẹp nơi Thiên Chúa... Giờ đây, anh tôi vừa nhắc rằng chúng tôi đã bước vào giai đoạn cuối cùng của đời sống, giai đoạn của tuổi già... Những ngày còn sống trên trần gian từ từ ít lại... Và cả trong lúc này, anh Georg giúp tôi chấp nhận cách bình thản, khiêm tốn và can đảm cái gánh nặng của mỗi ngày sống. Và như thế tôi mang ơn anh tôi rất nhiều."

ÐTC cũng nói lời cám ơn Hội Ðồng Thành Phố Castel Gandolfo, vì nghĩa cử tôn vinh Ðức Ông Georg làm Công Dân Danh Dự của Castel Gandolfo.

Phần Ðức Ông Georg, trong bài đáp từ, Ðức Ông vừa nói lên tâm tình cảm tạ, vừa tâm sự rằng âm nhạc góp phần cổ võ những giá trị tích cực của con người, khơi dậy sự hiệp nhất, hiệp thông và niềm vui.

Mục lục

 

Ðức Thánh Cha Bổ Nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Monsengwo Làm Tổng Thư Ký Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục 12.

Vatican (SD 23-8-2008) - Hôm 23-8-2008, ÐTC Biển Ðức 16 đã bổ nhiệm Ðức Cha Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục giáo phận Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân Chủ Congo, làm Tổng thư ký đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 12, thay thế Ðức Cha Wilhelm Emil Egger người Italia, mới qua đời đột ngột hôm 16-8-2008.

Ðức Tổng Giám Mục Monsengwo Pasinya năm nay 69 tuổi (1939), đã đậu tiến sĩ Kinh Thánh tại Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh ở Roma và giảng dạy môn Kinh Thánh tại Zaire. Năm 1993, ngài được Ðại học Công Giáo Lowen bên Bỉ trao tặng tiến sĩ danh dự.

Ðức Tổng Giám Mục Monsengwo đã làm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Zaire Congo trong nhiều năm trời và đã tham dự nhiều Thượng Hội Ðồng Giám Mục trước đây. Ngài cũng từng làm Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar (Secam).

Ðức Cha Egger, dòng Capuchino, cũng là một giáo sư Kinh Thánh, trước khi được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Bolzano - Bressanone. Ngài đã nhiều lần đón tiếp Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, nay là Ðức đương kim Giáo Hoàng, đến nghỉ hè trong giáo phận của ngài, lần chót từ 28-7 đến 11-8-2008. Ðức Cha qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 68 tuổi.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 12 sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 26-10-2008 về chủ đề: "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội" với sự tham dự của lối 250 Giám Mục thế giới, trong đó có 2 Giám Mục đại biểu của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Mục lục

 

25 ngàn trường Công Giáo Ấn Độ đóng cửa

NEW DELHI. Hôm 29-8-2008, tất cả 25 ngàn trường Công Giáo thuộc 160 giáo phận và 240 dòng tu toàn nước Ấn độ đã đóng cửa để liên đới và phản đối các vụ tấn công và bạo hành chống các tín hữu Kitô tại bang Orissa.

Thông cáo của HĐGM Ấn phổ biến trên mạng Internet khẳng định rằng: ”Như một dấu chỉ liên đới với anh chị em chúng ta và để phản đối những hành động tàn ác đối với cộng đoàn Kitô và những người vô tội khác, tất cả các trường tại Ấn do Giáo Hội Công Giáo quản trị sẽ đóng cửa ngày thứ sáu 29-8-2008 này”.

Trong số các học sinh theo học tại các trường Công Giáo ở Ấn, có hơn 80% thuộc các tôn giáo khác. Hội đồng Kitô toàn Ấn độ, một tổ chức đại kết, cũng lên án các vụ bạo hành chống các tín hữu Kitô. Cho đến nay có 22 người bị sát hại tại bang Orissa, 50 nhà thờ bị thiêu hủy, trong đó có lối 10 nhà thờ thuộc các Giáo Hội Tin Lành Pentecostal và Tẩy giả, 3 tu viện Công Giáo, 5 trung tâm đón tiếp, 7 học viện mục vụ và 300 tư gia bị đốt cháy hoặc hư hại.

Hôm 28-8-2008, một phái đoàn các vị lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành Ấn độ đã gặp thủ tướng Liên bang Ấn, ông Mannohan Singh, để thỉnh cầu ông gửi quân đội Liên bang đến giúp chấm dứt bạo lực và trợ giúp các nạn nhân Kitô tại bang Orissa.

Trong cuộc gặp gỡ, thủ tướng Singh gọi các vụ tấn công các tín hữu Kitô tại Orissa là ”một điều ô nhục cho quốc gia”, đồng thời ông loan báo chính quyền sẽ bồi thường cho gia đình của những người bị sát hại. Ngoài ra thủ tướng cũng hứa thiết lập một quỹ liên bang để trợ giúp hàng ngàn tín hữu Kitô, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải chạy vào rừng để trốn tránh các cuộc tấn công. Sau cùng, chính quyền liên bang Ấn hứa sẽ gửi thêm quân đội đến bang Orissa.

Đức Cha Raphael Cheenath, TGM giáo phận Cuttack-Bhubaneshwar, nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng ”gần một nửa các tín hữu Kitô tại Kandhamal đang phải lánh nạn.

Hôm 29-8-2008, một cuộc họp các vị lãnh đạo Kitô, Hồi giáo và Ấn giáo đã được triệu tập tại thành phố Sambalpur, bang Orissa để thảo luận về tình hình và tìm cách trấn an các cộng đồng liên hệ.
Cha Alphonse Toppo, bí thư của Đức GM giáo phận Sambalpur, cho biết mặc dù sự bố trí của đông đảo cảnh sát, tình hình địa phương vẫn còn rất căng thẳng, nhất là tại các miền quê, nơi mà các lực lượng an ninh không luôn tới được.

Tại học viện của dòng Tên ở Calcutta, hơn 700 LM, tu sĩ và giáo dân đã tổ chức buổi canh thức cầu nguyện, trong khi 2 ngàn người khác các nhiều tôn giáo tại bang Madhya Pradesh, đã tham dự cuộc biểu tình ôn hòa.

Mặt khác, tổ chức bác ái Misereor của HĐGM Đức cho biết 15 ngàn tín hữu Kitô tại bang Orissa phải tị nạn đi nơi khác.

Nhiều LM, nữ tu và nhân viên của Giáo Hội bị các nhóm ấn giáo chặn đường và đánh đập, đốt xe của họ. Các vụ hành hung diễn ra trước mặt của cảnh sát và thậm chí nhiều phụ nữ bị hãm hiếp. Cảnh sát cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ an ninh cho Đức TGM Raphael Cheenath.

Tổ chức Misereor tố giác rằng chính quyền địa phương ở Ấn chỉ tỏ ra miễn cưỡng trong việc ngăn chặn làn sóng bạo lực.

Giám đốc điều hành tổ chức Misereor, LM Martin Broeckelmann-Simon, kêu gọi chính quyền Liên bang Đức, đừng nhắm mắt trước tình trạng bạo lực chống các tín hữu Kitô tại Ấn độ, trái lại cần cấp thiết yêu cầu chính phủ Ấn bảo vệ các quyền con người tại bang Orissa. (KNA 28-8-2008)

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt bạo lực chống Kitô hữu tại Ấn Độ

VATICAN 27/8/2008 -- ĐTC Biển Đức 16 bày tỏ đau buồn và kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công sát hại các tín hữu Kitô tại Ấn độ.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung hơn 8 ngàn tín hữu hành hương sáng 27-8-2008, tại Nội Thành Vatican, ĐTC nói:

”Tôi hết sức đau buồn khi nhận được tin tức về những vụ bạo lực chống lại các cộng đồng Kitô tại bang Orissa Ấn Độ, xảy ra sau vụ ám sát đáng tiếc vị lãnh đạo ấn giáo là Swami Lakshmananda Saraswati. Cho đến nay đã có một số người bị giết và nhiều người khác bị thương. Ngoài ra, một số nơi thờ phượng, tài sản của Giáo Hội, và tư gia bị phá hủy.

”Trong khi tôi quyết liệt lên án mọi vụ tấn công sinh mạng con người, - tính chất thánh thiêng của sự sống đòi hỏi mọi người phải tôn trọng, - tôi bày tỏ sự gần gũi tinh thần và liên đới với anh chị em trong đức tin đã bị thử thách cam go như thế. Tôi cầu xin Chúa tháp tùng và nâng đỡ họ trong thời điểm đau thương này và ban cho họ sức mạnh để tiếp tục việc phục vụ yêu thương đối với tất cả mọi người”

Tôi mời gọi các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền dân sự cùng nhau làm việc để tái tạo sự sống chung hòa bình và hòa hợp giữa mọi thành phần của các cộng đoàn khác nhau, sự sống chung và hòa hợp này vốn luôn là đặc tính trổi vượt của xã hội Ấn độ”.

Theo tin mới nhất, số tín hữu Kitô bị sát hại ở Ấn độ lên đến 11 người và nhiều vị lãnh đạo Công Giáo tiếp tục lên án các vụ tấn công tín hữu Kitô hữu cũng như tài sản của Giáo Hội tại bang Orissa Ấn Độ.

ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tuyên bố rằng không điều gì có thể biện minh cho các cuộc sát hại như vậy. Các hành động ấy là tội ác chống lại nhân loại, và người ta không thể nhân danh tôn giáo để phạm những tội ác như thế.

ĐHY Tauran cho biết mới đây ngài đã đến New Delhi để gặp gỡ hai nhóm lãnh đạo ấn giáo, nhưng không có vị nào nói với ngài về những vụ bạo hành như thế. Đây không phải là lần đầu tiên những vụ tấn công các tín hữu Kitô xảy ra tại Ấn độ.

Về phần Đức TGM Antonio Maria Veglio, Tổng thư ký Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, ngài gọi 2 tín hữu Công Giáo bị những người ấn giáo cuồng tín ở bang Orissa sát hại hôm 25-8 vừa qua là những vị tử đảo của ngàn năm thứ ba. Đức TGM cũng nói đến các thừa sai vô tội bị sát hại và bạo hành không thể tưởng tượng nổi. ”Đây thực là một thảm trạng, nhưng cuộc đối thoại không vì thế mà bị ngưng lại”.

Đức TGM Pedro Lopez Quintana, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn độ, tuyên bố với Đài Vatican hôm 26-8-2008 rằng những người ấn giáo cuồng tín đang tìm cách áp đặt một Nhà Nước ấn giáo cho toàn dân; họ sử dụng một ý thức hệ có nền tảng giống như chế độ Đức quốc xã độc đoán. Tôn giáo bị họ lạm dụng như một dụng cụ để lèo lái dư luận. Họ cố gắng thuyết phục các tín hữu ấn giáo tin rằng Kitô giáo là một ý thức hệ ngoại lai, và những tín hữu Kitô mới trở lại được sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài và sẽ chiếm công ăn việc làm của người dân Ấn.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Sứ Thần Tòa Thánh không tỏ ra lo sợ cho tương lai và nói rằng: ”Hy vọng là một thực tại hiện hữu tại Ấn độ vì cuộc đối thoại và sống chung vốn là một thực tại trong xã hội Ấn độ.. Mặc dù phải chịu những bạo lực kinh khủng như thế, nhưng Giáo Hội Công Giáo tại Ấn độ quyết tâm chu toàn công tác của mình để mưu ích cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất”.

Trong vụ tấn công nữ cô nhi viện Công Giáo ở Pandharpur, một phụ nữ Công Giáo 20 tuổi bị thiêu sống, LM giám đốc viện này bị đánh đập dã man. 4 người bị thiệt mạng trong các vụ tấn công khác cũng tại bang Orissa.

Ngày 29-8-2008, tất cả các trường Công Giáo trên toàn Ấn Độ sẽ đóng cửa để phản đối các vụ bạo hành chống lại các tín hữu Kitô tại nước này. Ngoài ra, ngày 7-9 tới đây, Giáo Hội Công Giáo sẽ tổ chức một ngày ăn chay và cầu nguyện cho các tín hữu Kitô tại bang Orissa.

ĐHY Varkey Vithayathil, TGM Ernakulam-Angamaly, Chủ tịch HĐGM Ấn độ, kêu gọi tất cả các nhóm Công Giáo tổ chức các cuộc mít tinh ôn hòa trên toàn quốc để mạnh mẽ phản đối các cuộc tấn công các tín hữu Kitô.

Cha Mihir Upasi, Giám đốc cơ quan xã hội thuộc giáo phận Berhampur, cho biết cả 4 giáo phận ở Bang Orissa gồm Balasore, Berhampur, Rourkela và Sambalpur, đều phải chịu những vụ tấn công và bạo lực trong 3 ngày. Vì các vụ tấn công làm cho việc thông tin trở nên khó khăn, nên người ta vẫn chưa rõ tất cả thảm trạng các vụ tấn kích này. Nhiều LM và nữ tu phải bỏ giáo xứ đi lánh nạn. (Tổng hợp 27-8-2008)

Mục lục

 

Indonesia: Chủng sinh và linh mục được kêu gọi đồng hành với người dân trên con đường chính trị

JAKARTA (UCAN 21/8/2008) -- Một học giả giáo dân vừa khuyên các chủng sinh và linh mục nên giáo dục và đồng hành với người dân trong các vấn đề chính trị, đặc biệt vì Indonesia đang đứng trước một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 năm sau.

“Tôi mời gọi các cha và các thầy nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề chính trị để họ có thể tham gia bầu chọn các ứng cử viên thích hợp theo lương tâm họ trong cuộc tổng tuyển cử tới”, Joseph Kristiadi, một thành viên thâm niên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, phát biểu với 43 chủng sinh và bảy linh mục tham dự một hội nghị gần đây.

Hội nghị Nâng cao tinh thần chủ nghĩa dân tộc được tổ chức tại Pondok Bambu, ở Đông Jakarta, hôm 16-8, trước ngày Indonesia kỷ niệm Ngày Quốc khánh thứ 63. Chủng viện Sang Tunas (thế hệ tương lai) của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ tổ chức hội nghị này.

“Chính trị rất kinh khủng và thật sự lôi cuốn, nhưng các cha và các thầy không nên sợ”, ông Kristiadi nói với các tham dự viên hội nghị.

“Cho dù các chính trị gia thường làm cho nó có vẻ tiêu cực, nhưng bản chất chính trị là tốt”, học giả khoa học chính trị khẳng định. Chính trị là “dấu hiệu và phương tiện bảo vệ”, ông nói, và “chúng ta được mời gọi làm việc chung với nhau để tạo ra cuộc sống chính trị tốt hơn để người dân sống trong công lý và thịnh vượng”.

Ông thừa nhận có một số chính khách và đảng phái chính trị dụ dỗ người dân bỏ phiếu cho họ bằng cách cấp lương thực hay tiền bạc cho người dân. Vì lý do này mà các chủng sinh và linh mục nên “đóng vai trò tích cực hơn trong việc giáo dục và đồng hành cùng những người dễ bị dụ dỗ”, học giả này nói.

Theo ông Kristiadi, giáo dục chính trị quan trọng đối với chủng sinh và linh mục, cũng như đối với tất cả người Công giáo. “Tôi tin chính trị cao quý và đó là lý do mà các cha và các thầy có một nhiệm vụ quan trọng. Các cha và thầy được sai đến cứu giúp những người chịu cảnh áp bức và bất công”, ông nói với các tham dự viên.

Ông còn nhận xét Partai Kasih Demokrasi Indonesia (đảng yêu dân chủ Indonesia) của Công giáo và tất cả các đảng chính trị dựa trên tôn giáo khác ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử tới không nên tồn tại, “vì chính trị không thể hiệp nhất với tôn giáo”.

Uỷ ban Tổng Tuyển cử đã chấp thuận 38 đảng chính trị, bao gồm các đảng phái dựa trên tôn giáo, tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 9-4-2009. Uỷ ban còn đưa ra thời gian vận động tranh cử trong chín tháng, bắt đầu vào ngày 8-7.

Marselino Vincentius Polakan và các chủng sinh khác tham dự hội nghị dài ba giờ này cho UCA News biết hội nghị rất hữu ích. “Nay tôi hiểu được chính trị là một điều cao quý có thể dùng để đưa người dân đến con đường cứu rỗi”, Thầy nói. Thầy cho biết trước hội nghị thầy không hề nghĩ bình luận về các ứng cử viên tổng thống và lập pháp có “một điều gì đó liên quan đến ơn gọi linh mục của tôi”.

Daniel Wisnu Bintoro nói thêm: “Ngoài thần học và triết học, chủng sinh chúng tôi cần tìm hiểu chính trị vì chúng tôi sẽ bước vào ‘thế giới thực’”.

Marianus Frederikus Gati hiểu cách khác: “Hội nghị tốt cho chúng tôi là những người sẽ làm thừa sai ở hải ngoại. Chúng tôi vẫn là người dân Indonesia, vì thế tôi tin người dân ở hải ngoại sẽ hỏi chúng tôi về tình hình chính trị ở Indonesia”.

Khi linh mục Sylvester Asa, giám đốc Chủng viện Sang Tunas, phát biểu khai mạc hội nghị, ngài lưu ý chủng viện tổ chức sự kiện này hàng năm, thường vào ngày trước Ngày Quốc khánh, “nhằm giúp các chủng sinh và linh mục hiểu được tình hình chính trị hiện thời trong nước”.

Vị linh mục dòng Khiết Tâm Đức Mẹ nhắc nhở các tham dự viên Ngày Quốc khánh của họ không chỉ nói về các lễ nghi và các trò chơi truyền thống, “mà còn là dịp tốt để trau dồi kiến thức về chính trị cho chủng sinh và linh mục”.

UCAN

Mục lục

Một giám mục Trung quốc bị bắt đúng ngày Thế vận hội bế mạc

Bắc kinh (CWNews) - Vị giám mục giáo hội Công giáo hầm trú xuất chúng nhất tại Trung quốc đã bị bắt hôm chủ nhật 24 tháng 8, đúng vào ngày buổi lễ bế mạc Thế vận hội được tổ chức tại Bắc kinh.

Đức giám mục Jia Zhiguo ở Chính Định (Zhengding) đã bị một số sĩ quan công an bắt giữ tại nhà thờ chính tòa Wuqiu. Không có lý do nào được nêu ra ngay sau vụ bắt giữ và nhà chức trách không tiết lộ nơi giam giữ vị giám mục già nua này.

Giám mục Jia nay đã 73 tuổi, lãnh đạo một giáo phận năng động có trên 100 ngàn giáo dân Công giáo tại giáo phận Hà bắc (Hebei), đã trải qua 15 năm trong tù, từ năm 1963 đến 1978. Sau khi được tha, ngài đã bị bắt đi bắt lại tới ít nhất 12 lần; bình thường mỗi lần ngài bị bắt giam để tra hỏi trong nhiều ngày. Từ năm 1989 đến nay ngài bị giam giữ tại gia.

Trong thời gian Thế vận hội, người Kitô hữu Trung quốc đã bị cảnh báo cho biết không được tổ chức các nghi lễ mục vụ công khai. Chừng 1000 người Công giáo tại Chánh định, bất chấp các lệnh đó, đã đến dâng Thánh lễ kính Đức Mẹ Lên Trời cùng với giám mục Jia tại nhà thờ chính tòa Wuqiu hôm 15 tháng 8. Nhà cầm quyền Trung quốc – đặc biệt tại giáo phận Hà bắc, nơi giáo hội Công giáo hầm trú rất mạnh – đã có thành tích bắt bớ các vị lãnh đạo Kitô giáo trước và sau những biến cố lớn, chẳng hạn như đại hội đảng Cộng sản. Thế vận hội đưa tới một loạt những cảnh báo rằng các hoạt động tôn giáo nào “không có phép” thì không được thực hiện. Cơ quan thông tấn AsiaNews cho biết một số thành viên trong giáo hội thầm lặng tiên đoán sẽ có một cuộc đàn áp liền sau Thế vận hội, khi sự chú ý của giới truyền thông đã giảm thiểu đi.

Mục lục

Còn quá sớm để nói về việc Ðức Thánh cha viếng thăm Trung Quốc.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Vatican (UCAN 22-8-2008 | ZY05611.1511) -- Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh cho biết "còn quá sớm" để nói về việc Ðức Bênêđictô XVI viếng thăm Trung Quốc.

Linh mục Federico Lombardi đưa ra bình luận này với đài phát thanh Vatican hôm 21-8-2008, đáp lại lời Ðức Giám mục Joseph Li Shan (Giuse Lý Sơn) của Bắc Kinh phát biểu hôm trước đó trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Kênh 1 của Ðài Truyền hình Nhà nước Ý.

"Chúng tôi rất hy vọng Ðức Bênêđictô XVI có thể sang thăm Trung Quốc. Ðây là niềm ao ước lớn, và đã từ lâu chúng tôi hy vọng nó có thể trở thành hiện thực", Ðức cha nói.

Ðức cha Li, được Toà Thánh lẫn chính phủ Trung Quốc công nhận, còn khẳng định: "Quan hệ với Vatican luôn được cải thiện. Có thể nói là có những tiến triển tốt".

Trong cuộc phỏng vấn, Ðức cha còn cung cấp một số thông tin về Giáo hội ở Trung Quốc. Ngài nói: "Có khoảng 8-10 triệu người Công giáo ở Trung Quốc. Có 20 nhà thờ ở Bắc Kinh, và vào các ngày lễ mỗi nhà thờ cử hành từ 3-4 Thánh lễ, mỗi Thánh lễ có khoảng 3,000 người tham dự".

Theo ANSA, hãng thông tấn chính của Ý, Ðức cha phủ nhận sự tồn tại "vấn đề của người Công giáo thuộc cộng đoàn bí mật".

Cha Lombardi nói với Ðài phát thanh Vatican: "Cuộc phỏng vấn Ðức cha Li có thể được xem là một dấu hiệu, về phía người Trung Quốc, đáp lại sự sẵn sàng và hy vọng được Ðức Thánh cha thể hiện trong tông thư gửi người Công giáo Trung Quốc cách đây một năm, tìm cách bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Toà Thánh".

Tông thư gửi người Công giáo Trung Quốc được công bố ngày 30-6-2007.c

Về tình hình quan hệ Trung Quốc - Toà Thánh hiện nay, viên chức Vatican nói: "Có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, nhưng phía Toà Thánh có ý định và quyết tâm tiếp tục xúc tiến một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và thành thật".

Về việc Ðức Giám mục Bắc Kinh hy vọng Ðức Thánh cha sẽ viếng thăm Trung Quốc, ngài nói thêm: "Hiện nay, còn quá sớm để nói về việc Ðức Thánh cha sang thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, lời của Ðức cha Li cho thấy tất cả người Công giáo Trung Quốc yêu mến và kính trọng Ðức Thánh cha. Họ công nhận uy quyền của ngài và vui mừng muốn gặp ngài, và đây dĩ nhiên là khía cạnh rất tích cực và khích lệ".

Một ngày trước khi cuộc phỏng vấn Ðức cha Li được đưa lên truyền hình, nhật báo Vatican L'Osservatore Romano đăng bài báo nói về Trung Quốc và Thế vận hội Olympic được viết bởi linh mục dòng Tên Gian Paolo Salvini, giám đốc của La Civilta Cattolica, tờ báo uy tín và đầy sức thuyết phục của dòng Tên.

Cha Salvini thừa nhận: "Có nhiều vấn đề giữa Giáo hội Công giáo và chính phủ Trung Quốc. Một số vấn đề mang tính chính trị quốc tế. Một số mang tính nhạy cảm hơn, chẳng hạn như vai trò của giám mục ở Trung Quốc và việc bổ nhiệm giám mục của Toà Thánh".

Sau đó, trong phần liên hệ đến việc bổ nhiệm giám mục trong những lần gần đây, ngài nói thêm: "Nhưng đã có những giải pháp riêng được đưa ra, cho phép tôi nói 'theo cách của Trung Quốc' nhưng cũng 'theo cách của Ý', có ý muốn phớt lờ cách công khai bằng cách tạo ra một sự đồng ý lẫn nhau vượt qua những khẳng định về nguyên tắc vốn chưa có thống nhất".

Cha Salvini nói tất cả điều này hy vọng "hai cộng đoàn của một Giáo hội Trung Quốc, bất chấp những đau khổ của cộng đoàn bí mật, thường là đối tượng bị đàn áp, sẽ tìm ra con đường hiệp thông và huynh đệ, như sự hy vọng được Ðức Bênêđictô XVI thể hiện rõ trong tông thư ngài gửi tín hữu Công giáo Trung Quốc ngày 27-5-2007.

Ngài lưu ý buổi hoà nhạc Dàn nhạc Ðại hoà tấu Trung Quốc biểu diễn tôn vinh Ðức Bênêđictô và các nghĩa cử tượng trưng khác cũng là dấu hiệu hy vọng cho tương lai.

Tuy nhiên, ngài cảnh báo cần có sự kiên nhẫn vì "văn hoá và não trạng không thay đổi một cách vội vàng như cách người ta xây sân vận động hay đường sắt". Về nhân quyền, cha Calvini nhận xét, Trung Quốc "dường như vẫn còn thiếu cơ cấu".

Ngài kết luận: "Những điều tốt đẹp đòi hỏi thời gian và sáng suốt. Thế vận hội Olympic chỉ là khởi đầu của một triển vọng mới, mà không được phép đánh mất".

 

UCA News

Mục lục

 

Đại hội giới Hiền Mẫu Giáo hạt Đức Tánh

 

Ngày lễ kính Thánh Nữ Mônica (27.8), Giáo hạt Đức Tánh tổ chức ngày Đại hội giới Hiền Mẫu tại Nhà thờ Võ đắt. 1.450 bà mẹ Công giáo từ 11 giáo xứ, 8 giáo họ đã đến tham dự.


Theo chương trình của giới Hiền Mẫu Giáo phận, mỗi 3 năm tổ chức luân phiên, tại Giáo phận, giáo hạt, giáo xứ.


Tạm gác lại mọi công chuyện bề bộn, các bà mẹ có cơ hội quy tụ bên nhau, trao đổi, học tập về vai trò giáo dục của người mẹ trong gia đình cùng sinh hoạt chia sẽ niềm vui.


Cha Hạt trưởng JB Trần Văn Thuyết, Cha FX Đinh Quang Hùng, đặc trách giới Hiền mẫu Giáo hạt cùng các cha trong giáo hạt đến dự nghi thức khai mạc và dâng đồng tế thánh lễ.


Các bà mẹ đồng phục áo dài trắng trông thật đẹp, duyên dáng và tinh tuyền.


Buổi chiều giao lưu văn nghệ và thi giáo lý đã tạo nhiều niềm vui và sự hiểu biết để các bà mẹ đem về gia đình, giáo xứ chia sẽ cùng mọi người.


.

 

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

Thư Năm Học 2008-2009 gửi Sinh viên- Học sinh Công giáo Giáo phận Kontum

 

 

TÒA GIÁM MỤC KONTUM


56 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việtnam - abrahamvn@yahoo.ca


Số 87/Vt-MV/’08/Tgmkt


THƯ NĂM HỌC 2008 – 2009


Kontum, ngày 22 tháng 08 năm 2008


Mến gửi những người con yêu quý,

Sinh viên - Học sinh Công giáo Giáo phận Kontum.


Các con thân mến,


Trong bầu khí hân hoan bước vào Năm Học Mới, năm học 2008 - 2009 và mừng Tết Trung Thu, cha gửi tới các con bức tâm thư này.


I. Mừng Năm Học Mới & Mừng Tết Trung Thu


Các con thân mến,


Khắp nơi đang nô nức bước vào Năm Học Mới và chuẩn bị đón Tết Trung Thu, tâm hồn cha cũng cảm thấy nao nao và hân hoan. Cha chúc mừng các con. Nguyện xin Chúa chúc phúc cho năm học mới của các con. Chúc các con hưởng một cái Tết Trung Thu tươi vui. Niềm vui của ngày Tết sẽ trở thành một sức đẩy mạnh mẽ cho năm học mới! Các con có nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa không? Chúa nói “Không có Thầy, anh em chẳng làm được việc gì!” (Ga 15,5). Bước vào năm học mới, các con cần có tâm hồn mới, tâm hồn thấm đượm các nhân đức khôn ngoan, kiên trì, khiêm tốn và chân thật để được dạy dỗ và đào luyện nên người phát triển toàn diện hài hòa, nên người con của Chúa, anh em của mọi người (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 39).


* Đức khôn ngoan sẽ giúp các con biết phân biệt phải trái, chính phụ để biết dành tâm sức thời giờ vào việc học hành nghiêm túc thay vì lao vào những thứ phụ thuộc hoặc có sức tàn phá tâm trí các con. Có biết bao người trẻ đã bê trễ việc học hoặc chọn sai hướng đi trong cuộc sống. Thật tội nghiệp!


* Đức kiên trì giúp các con vượt mọi khó khăn hoặc trở ngại để học đến nơi đến chốn. Cầu mong không một ai trong các con “bỏ học dở dang”. Ơn Chúa đủ cho bất kỳ ai có quyết tâm học tập. Có biết bao người trẻ đã bỏ ngang việc học tập để rồi lêu bêu mất phương hướng trong cuộc sống, trở thành gánh nặng cho gia đình, giáo hội và xã hội. Thật đáng tiếc!


* Lòng khiêm tốn giúp các con giữ được tâm hồn tươi trẻ, điều kiện để biết vâng nghe thầy cô và các bậc cha anh dạy dỗ nên những con người tốt. Đây là một điều kiện tối ư quan trọng để hoàn thành ơn gọi “làm người, làm người con Chúa” trong xã hội. Và đây cũng là một quy luật căn bản trong mọi lãnh vực, kể cả để vào được Nước Trời! Chúa Giêsu đã dạy “Nếu anh em không trở nên trẻ nhỏ, anh em không vào được Nước Trời” ! Nói cách khác, các con cần được huấn luyện để có cái TRÍ mà cũng có cái TÂM (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 36), cần được đào luyện thành con người có MINH mà cũng có ĐỨC! Có biết bao người trẻ đạt được học vị cao, nhưng lại không có cái tâm, cái đức. Lịch sử loài người đã phải gánh chịu bao tang tóc, chết chóc vì một số người có KHÔN mà KHÔNG NGOAN đấy! Thật đáng tiếc!


* Và chân thật. Hình như thế giới đang ngụp lặn trong gian dối, mánh mung và xảo trá? Bản điều tra mới đây được công bố tại Hội Thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.. . “ do Hội Khoa Học Tâm Lý – Giáo Dục VN vừa tổ chức tại Đồng Nai cho thấy môi trường giáo dục ít lâu nay mắc nạn gian dối. Có tới 22% học sinh cấp tiểu học, 50% học sinh cấp 2, 64% học sinh cấp 3, còn cao đẳng và đại học lên tới hơn 80% mắc căn bệnh “đáng sợ và báo động” này (Trích website: www.dantri.com.vn)! Các con có ai mắc căn bệnh này không? Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu dạy: ““Có” thì nói “có”! “Không” thì nói “không”! Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Là môn đệ Chúa Kitô, Đấng “Là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), tất thảy con cái Chúa không thể gian dối, quanh co mà phải sống trong sự thật. Chỉ có sự thật mới cho con người được tự do đích thực! (x.Ga 8,12).


II. Một số đề nghị


Các con thân mến,


Cũng trong bầu khí mừng Năm Học Mới và mừng Tết Trung Thu, bức tâm thư này mong chuyển đến các con một số đề nghị nhắm góp phần vào công trình giúp các con được đào luyện nên những con người phát triển hài hòa tốt đẹp trong giáo hội và thành những chứng nhân của Tin Mừng trong xã hội hôm nay.


1. Tích cực tham gia các sinh hoạt trong xứ họ (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 29)


Cha biết cuộc sống của các con ngày càng “bề bộn” với nhiều hoạt động ngoài việc học tập. Những hoạt động đa dạng cũng đòi hỏi “sự khôn ngoan của cha anh cũng như của các con” để lựa chọn theo bậc thang các giá trị ưu tiên. Theo cha những sinh hoạt chủ yếu trong các xứ họ, các con không thể coi thường hay bỏ qua được, như thánh lễ, các giờ giáo lý, những sinh hoạt của gia đình ơn gọi, ca đoàn… (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 3ot). Rất cần và đủ để giúp tăng sức cho việc học tập và nên người của các con.


Ngoài ra, nơi đây, cha muốn nói với các con đôi lời về cách ăn mặc của các con khi bước vào nhà thờ tham dự các giờ phụng vụ. Nhiều nơi nhiều người trong các con có kiểu ăn mặc khó coi và còn mang tính phản lại sứ mạng loan báo Tin Mừng. Cha muốn nói một số người khi đi dự lễ ăn mặc luộm thuộm, nhiều khi “lại thiếu vải”, trong khi đi dạo phố, đi chơi thì mặc đẹp nhất! Các con nghĩ sao khi mình bước tới nhà Chúa mà ăn mặc như thế? Cha mời gọi các cha xứ và các bậc cha mẹ giúp các con – từ nay – mỗi khi bước tới nhà thờ, các con phải ăn mặc đẹp nhất có thể. Nếu được đồng phục “đơn giản”, như áo xơ mi trắng - quần mầu dành cho con trai, riêng con gái cấp 3 người Kinh thì mặc áo dài trắng - quần dài trắng, các con gái Dân Tộc thì mặc y phục dân tộc. Hãy hình dung xem “đẹp đến thế nào”. Cha thiết nghĩ đó cũng là một chứng tá Tin Mừng tuyệt vời đấy! Tất cả vì một nền giáo dục hài hòa toàn diện! Tất cả đều vì “công trình học và sống làm con người và làm con Chúa” (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 21 & 39).


2. Việc sử dụng internet


Cha cũng không bỏ qua mà không nhắc tới việc sử dụng máy vi tính và internet. Cha biết có những nước, chẳng hạn như Thái Lan, đã lên chương trình trang bị vi tính cho cả các em tiểu học. Tốt lắm! Cha cũng mong sao người trẻ các con cũng sớm được hưởng chế độ như thế! Nhưng vi tính và internet cũng như con dao sắc, không biết sử dụng đúng đắn sẽ mau chóng trở thành nạn nhân. Tâm hồn non trẻ các con sớm bị ô nhiễm và băng hoại. Dó đó, với hiện tình hôm nay, cha cầu mong các con được hướng dẫn dùng vi tính và internet vào việc học tập theo mức độ tuổi các con, thay vì lao đầu vào đó để sao nhãng việc học như nhiều nơi đã và đang phá hủy “tuổi trẻ” của các con.


Riêng các gia đình Công Giáo cũng như các gia đình mở dịch vụ internet, cha cầu mong:


(1)- Các cha mẹ đặt để máy vi tính tại những phòng chung, những nơi có người qua lại, có thời gian biểu học trên máy vi tính và cài đặt chương trình hợp lý nhất.


(2)- Các vị mở dịch vụ internet, không mở gần trường và cũng không chấp nhận để các học sinh lao đầu vào các thứ trò chơi bạo lực hoặc dâm ô, càng không mở vào các giờ học tập. Các cha xứ và các bậc cha anh sẽ khai triển vấn đề này với các con và với các nhà giáo dục cùng toàn xã hội hôm nay.


Các con thân mến,


Cha cám ơn các con đã kiên nhẫn nghe và đọc những dòng tâm sự trên đây của cha. Cha cầu xin Chúa chúc phúc cho các con trong Năm Học Mới này, và qua các con, các bạn học của các con, đạt được những thành quả tốt đẹp góp phần “làm cho các con nên người hơn, nên người con Chúa, nên người anh em với nhau hơn”. Chúc các con Tết Trung Thu vui tươi và chan hòa ân thánh.


Thương mến các con,


(đã ký)


+ Micae Hoàng Đức Oanh


Giám Mục Giáo Phận Kontum.

 

Mục lục

 

Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt (Phóng Sự dài 5 Kỳ).

La Vang, Việt Nam (23/08/2008) - Hoà chung với dòng hành hương chừng nửa triệu người về thánh địa La Vang dịp này có những đoàn khách rất đặc biệt. Một trong số đoàn khách đó là đoàn khuyết tật thuộc Mái ấm Don Bosco. Khởi hành từ Hà nội với các nhóm Cổ Nhuế, Xuân La, Ðức Giang, Tư Ðình, Ðống Ða, Phương Chính, Bát Tràng, Linh Ðàm và nhóm tình nguyện viên đã có chuyến đi đầy ý nghĩa về với miền Trung trong mùa nắng nóng, cát trắng và gió Lào.

 

Kỳ 1: La Vang - Ngày Về Bên Mẹ.

"Cây đa lá cũ còn lưa,

La Vang Mẹ gọi, con thưa xin về".

Câu thơ như thôi thúc mọi người về với Mẹ. Với anh em khuyết tật thuộc Mái Ấm Don Bosco thì càng giục giã hơn. Mọi người đều vui mừng khi được biết Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu tổ chức chuyến hành hương về quê Mẹ nhân dịp Ðại hội lần thứ 28 tại thánh địa. Mái ấm Don Bosco về nơi đây với 224 thành viên khuyết tật, cùng 25 em khuyết tật đến từ Sài Gòn đại diện cho khoảng 5 triệu người khuyết tật Việt Nam đã qui tụ quanh linh đài Ðức Mẹ, nói lên những thổn thức, những tâm tình trong cuộc sống dành cho Mẹ. Hơn 2/3 trong đó là các bạn không công giáo nhưng cũng một lòng mến Mẹ sâu xa, muốn tìm hiểu đức tin công giáo, là cơ hội để giới thiệu về Hội thánh cho các bạn chưa có chung một niềm tin.

Ðến nơi đây từ hôm 13/8/2008, hôm sau, đoàn đã có một giờ diễn nguyện sôi nổi do chính anh em khuyết tật trong đoàn phục vụ. Ðiều đặc biệt thể hiện sự quan tâm cách riêng của Tống giáo phận Hà Nội là việc cử hành thánh lễ dành riêng cho bệnh nhân và người khuyết tật do Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ chủ tế. Ðức Cha đã giành thời gian giải đáp vấn nạn đau khổ, vấn nạn đồng hành đối với mỗi anh em khuyết tật mà không dễ gì chiến thắng được.

 

Ý Nghĩa Và Những Giá Trị Ðích Thực Do Ðau Khổ Mang Lại.

(Lược trích những chia sẻ của Ðức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Ðệ)

Nếu như mình đang khỏe mạnh, giàu sang để nói về đau khổ của người khác thì quá dễ dàng nhưng khi đặt trong những nghịch cảnh phi lý, bất công và oan ức, của người thật việc thật thì lại khác.

"Tại sao tôi phải khổ thế này, đã nghèo, đã đói, đã cực, đã mồ hôi lại còn bị tật nguyền, tê liệt suốt cả đời thế này? Tại sao người ác đức, hung dữ, trộm cắp, cướp bóc, tham ô... lại được lành lặn, khỏe mạnh, giàu sang, phú quí và thành đạt? Nhất là câu hỏi: Lý do nào? Nguyên nhân nào và tại sao tôi lại bị khuyết tật mà người khác thì không? Có phải lỗi tại tôi? Hay tại cha, tại mẹ hay tại ai"?

Ðặt mình vào tình cảnh trên, có lẽ nhiều người chúng ta cũng tuyệt vọng như tâm sự của một bạn gái "Con chẳng còn thiết sống nữa, sống để làm gì khi con thân tàn ma dại, sống chỉ để ăn bám người khác thôi ư, sống chỉ để làm khổ người khác thôi ư? Sống như vậy thì để làm gì"?

Ðúng vậy, nếu không có một niềm tin vào Ðấng tạo hóa, cách riêng là Ðức Kitô, Ðấng vốn là con Thiên Chúa mà đã phải khổ nhục, chịu đóng đinh chết treo nhục nhã trên thập giá thì sống như thế thật vô nghĩa.

Ðau khổ là một vấn nạn cũng là một huyền nhiệm không dễ gì giải quyết thấu đáo được, không dễ gì đón nhận. Nhiều người lựa chọn việc tự vẫn như một thái độ phản đối, kêu trách, nguyền rủa Tạo Hóa.

- "Làm sao nói được là Chúa tốt lành và là Cha yêu thương, giàu lòng thương xót khi Ngài để tôi tật nguyền thế này, cuộc đời tôi khổ như một loài súc vật và nếu tôi mà gặp được Thiên Chúa thì tôi sẽ bóp cổ ông ta vì thà đừng sinh ra tôi còn hơn".

Thực ra, chính người bạn đó đã vì lòng ích kỷ của mình đã tự gây nên bao đau khổ cho mình chứ không phải vì Thiên Chúa không yêu thương bạn đó.

Vậy, người công giáo giải quyết những đau khổ như thế nào?

Chúng ta giải quyết bằng niềm tin vào Chúa Kitô chịu đóng đinh trên cây thập giá. Chỉ có niềm tin vào Chúa Kitô vốn là con Thiên Chúa, đã tự hủy mình ra không, đã đau khổ và chết trên thập giá mới có thể giúp ta nhận ra ý nghĩa đích thực của đau khổ, để thêm sức mạnh và đón nhận nó. Ðức Kitô đến không phải tiêu diệt hết mọi đau khổ nhưng mang lại cho nó một ý nghĩa siêu nhiên đích thực, không phải giải thoát nhân loại khỏi đau khổ nhưng khỏi phải chịu cách vô ích.

"Người ta bảo Thầy là ai"? Thưa đó là Ðấng sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết nhưng sẽ sống lại. Sự đau khổ của Chúa có giá trị cứu độ thế nào thì sự đau khổ của con người một khi được thông hiệp trong đức tin và mầu nhiệm thì cũng được thông phần vào ơn cứu độ của Chúa như thế, đó như là một giá trị cứu rỗi, một giá trị đền tội và là một giá trị tha thứ...

 

Những Lời Nguyện Chân Thành Của Ðoàn Con.

Phần dâng lễ vật để lại trong lòng người tham dự nhiều tình cảm. Không phải là hương hoa, bánh miến, nến hay các lễ vật thông dụng khác, Ðức Cha Phêrô có sáng kiến cho các em dâng lễ vật bằng chính những lời nguyện xin của các em. Những lời nguyện được ghi vào mảnh giấy sau đó từng người một tiến lên dâng lễ vật trên linh đài.

- Lạy Chúa, Xin cho con mạnh khoẻ và sống có ích cho bản thân con, cho gia đình và xã hội con.

- Lạy Chúa, xin nâng đỡ con mỗi khi niềm tin vào cuộc sống nhạt phai, xin Ngài biến đổi và lấp đầy ngày sống của chúng con.

- Chúa ơi, xin cho con biết quí trọng mỗi ngày trong đời của con. Con biết với sức khoẻ hiện tại thì mỗi ngày con sống hết sức quí giá, xin cho con biết phó thác đời con trong tay Chúa, để Chúa hướng dẫn đời con, xin cho con biết đón nhận những nỗi đau trong đời con, không một lời oán thán và mãi yêu Chúa - mãi mãi đến tận phút giây con vĩnh biệt đời này.

"- v.v. và .v.v..."

Thật là những lời nguyện đơn sơ và chân thành như chính bản thân con người của các em vậy.

 

Hiền Mẫu La Vang - Mẹ Là Niềm Tin, Tiếp Thêm Sức Mạnh Cho Ðoàn Con.

Sống trong cuộc sống nghĩa là luôn phải đối diện với khó khăn, thử thách. Ðối với người khuyết tật, thử thách là gấp bội. Số phận đã không dành cho anh chị em được may mắn như bao nhiêu người sinh ra trong cuộc đời này. Hãy lắng nghe tâm sự của các em:

"Con không được nhìn thấy mặt trời,

Con không được nhìn thấy mặt trăng...

Con chưa được cất lên một lời nào,

Con chưa được lắng nghe một lời chào...

Con bất động từ lúc chào đời,

Nhưng biết nhìn cuộc sống tự nhiên"...

(Trích bài hát "Không phải lỗi tại con" của Lm Trọng Khẩn)

Nếu không có một nguồn lực nào trong cuộc sống thì đời sống của họ quả là héo hon và buồn rầu, đôi khi họ trở nên ít nói, trầm cảm. Nhiều trường hợp bi đát suy nghĩ mình không còn tương lai và tìm lối thoát bằng việc quyên sinh. Thật may mắn cho anh em được cưu mang trong một Mái ấm công giáo, được chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ tận tình ; xóa tan đi mặc cảm; giúp hướng lòng tìm về Ðấng Tối Cao; tìm về chân, thiện, mỹ.

Nhìn lại gần 2,000 năm trước, trên thập giá, hình hài một người con đau khổ quằn quoại hấp hối chết đau thương như thế nào thì dưới thập giá, một bà mẹ ủ rũ đau đớn tột cùng chẳng khác nào "mũi gươm đâm thâu qua lòng bà", đó chính là Ðức Mẹ Maria, thân mẫu Ðấng Cứu Thế.

Ngay lúc này đây, dưới chân Mẹ ở linh địa La Vang, đoàn con khuyết tật đầy khổ đau cũng đang chạy đến với Mẹ để được ủi an như hôm Mẹ đón nhận Chúa từ trên cây Thánh giá xuống. Ðể rồi Mẹ sẽ dùng bàn tay con yêu của Mẹ, thông qua lời cầu bầu của Mẹ như ở tiệc cưới Cana xưa để chữa lành mọi vết thương đau của anh em khuyết tật.

Về bên Mẹ dịp này, sau khi trải qua một chặng đường dài, các em tự nguyện chịu sống ở những lều trại mà có em vui vẻ gọi đó là "khách sạn ngàn sao", tự nguyện chịu khó khăn về chỗ ở, khó khăn về vệ sinh - sinh hoạt, trong di chuyển và muôn vàn khó khăn khác. Ðiều này chứng tỏ các em có lòng mến Mẹ sâu xa. Các em muốn chịu khó khăn để mong muốn múc lấy ơn thiêng từ Mẹ cho cuộc chiến đấu trường kỳ. Mẹ La Vang là nguồn tiếp thêm sức mạnh, mang lại niềm tin yêu, khát vọng sống cho đoàn con cái tật nguyền của Mẹ. Với tâm tình như trên, thiết nghĩ các em là người múc được nhiều ơn thiêng nhất trong dịp này...

Các thành viên trong Mái ấm Don Bosco đã có "tam nhật đại hội" thật vui vẻ và hạnh phúc bên Mẹ. Hầu như các thánh lễ trong ngày hay các giờ diễn nguyện đều có thành viên tham dự. Ðoàn Don Bosco có được sự ưu tiên đặc biệt. Bởi vì hình ảnh đoàn khuyết tật đi xe lăn hay anh em bị mù nhờ tình nguyện viên đưa lên linh đài Ðức Mẹ không khỏi làm nhiều người có mặt xúc động. Thật đúng là "Nếu như chân con không thể bước đi thì lòng con sẽ phi nước đại"... Chính "tình yêu Chúa và Mẹ hiền La Vang đã thúc đẩy anh chị em về đây".

Quây quần bên Mẹ từng phút giây, thấm thoắt giờ chia tay Mẹ hiền, chia tay mọi người ở thánh địa đã đến. Trời La Vang nắng vàng thu bát ngát, thêm vào đó là cả gió lào nóng gắt và cát trắng tiễn đoàn con khuyết tật ra đi. Ra đi để làm chứng và vinh danh "một Thiên Chúa giữa nhân loại hôm nay" Xin chia tay tạm biệt và chào La Vang!

 

Kỳ 2: Về Trí Bưu - Mảnh Ðất Thấm Ðẫm Máu Ðào Tử Ðạo Của Giáo Phận Huế.

Tam nhật mừng Ðức Mẹ La Vang trôi qua như một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, đoàn Don Bosco đã có những phút giây thật hạnh phúc trong vòng tay chí ái của Mẹ nhân hiền. Xa Mẹ, lòng mỗi người vẫn còn quyến luyến, bịn rịn, đầy xúc động. Rời La Vang, đoàn chúng tôi đi đến giáo xứ Trí Bưu thuộc hạt Quảng Trị. Trí Bưu - mảnh đất lịch sử của giáo phận Huế, nằm cách thánh địa La Vang không xa chừng 5 km về phía nam. Về mặt hành chính thuộc phường 2 của thị xã Quảng Trị.

Trí Bưu có một lịch sử lâu đời, một trong những giáo xứ tên tuổi của giáo phận Huế (có từ 1690), toạ lạc cạnh thành cổ Quảng Trị, Trước gọi là Cổ Vưu, đến thời nhà Nguyễn, Cổ Vưu được chọn để xây nhà bưu trạm, đã cải tên làng thành Trí Bưu. Chính nơi đây vào những năm 1798 giáo dân bị bách hại và phải chạy về vùng rừng núi trốn tránh sắc lệnh vua Cảnh Thịnh. Hiện tại, giáo xứ có 4 giáo họ do Linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý phụ trách là Trí Bưu, Thạch Hãn, Qui Thiện, Long Hưng gồm 1,350 giáo dân.

Về nơi đây, đoàn khuyết tật mong muốn tìm về cội nguồn đức tin và lòng dũng cảm của các bậc tổ tiên xưa. Tại ngôi thánh đường mới được khánh thành ngày 21/6/2001 này, Linh mục Giuse Bùi Thông Bửu và 600 vị tử đạo đã bị Văn Thân phóng hoả thiêu cháy vào ngày 7.9.1885. Một đài tưởng niệm đã được dựng nên để tưởng nhớ các bậc tiền nhân ngay đầu làng Trí Bưu. Các bạn đã cố gắng tìm hiểu thông qua cha quản xứ, giáo dân trong làng để biết được những câu chuyện về lịch sử thành lập giáo xứ; tìm hiểu mảnh đất đã vun trồng và nuôi dưỡng những anh hùng sắt son; tìm hiểu về các linh mục; những người con trung kiên của giáo xứ, cảnh tử đạo của Linh mục và giáo dân thời Văn Thân, tìm hiểu sự tích Mẹ La Vang... Một số thành viên còn đi xa hơn ra đầu làng, đến tận lăng tử đạo Trí Bưu để đốt lên nén hương lòng để ghi nhớ các vị tiền nhân đã can đảm hi sinh mạng sống vì đức tin, một gương sáng chói ngời lòng mến Chúa cho hậu thế chiếu soi.

Về Trí Bưu tìm hiểu niềm tin yêu vào một Thiên Chúa duy nhất của các vị tử đạo nơi đây càng giúp củng cố niềm tin cậy, phó thác của anh em đoàn. Nhiều lúc gặp khó khăn hay sóng gió, các bạn biết nhìn lên tấm gương các đấng tử đạo, sẵn sàng chịu chết vì Ðức Kitô.

Ðây cũng là cơ hội giao lưu giữa các thành viên trong đoàn với giới trẻ trong xứ. Một buổi giao lưu văn nghệ diễn ra thu hút giáo dân trong xứ, cách riêng những bạn trẻ. Các bài hát do chính thành viên trong đoàn thể hiện niềm tin tưởng trông cậy vào Thiên Chúa, tình yêu Mẹ Maria, khát vọng sống. Xen kẽ là các trò chơi rút thăm trúng thưởng làm tăng thêm không khí sôi động của đêm văn nghệ giao lưu.

Ðêm văn nghệ tạo cho mọi người niềm vui, đặc biệt là để lại xúc động sâu xa trong lòng người dân Trí Bưu. Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi được nghe vị linh hướng của đoàn - Ðức Cha Nguyễn Văn Ðệ, Giáo Phận Bùi Chu giới thiệu một vài tấm gương trong đoàn. Hiệp sỹ Fanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng (nhóm Linh Ðàm - Giáo Phận Vinh) bị bại liệt nhưng đã vươn lên tiếp cận vi tính, đào tạo tin học cho hàng trăm em khuyết tật và nghèo. Khi được hỏi đâu là thành công đến với một người khuyết tật công giáo như anh? Thật đơn giản bởi như chia sẻ của anh thì "Tôi làm được mọi sự là nhờ Ðấng ban ơn thêm sức cho tôi" (Trích thư thánh Phaolô).

Có nhiều cái hay được rút ra tại mảnh đất Trí Bưu này, "Có lẽ trong đời 9 năm làm việc mục vụ, đây là lần để lại trong con nhiều xúc động. Chúng con đã học được 3 bài học lớn: Bài học yêu thương phục vụ của Ðức Cha Phêrô, một vị giám mục của hội thánh với bộn bề công việc, vừa tham dự Ðại hội La Vang không quản mệt nhọc sát cánh cùng với anh em khuyết tật trong chuyến hành trình. Bài học của các anh chị tình nguyện viên không ngần ngại hi sinh những ngày nghỉ để đến sinh hoạt với các nhóm khuyết tật, cách riêng những ngày hôm nay đi theo giúp đỡ các bạn trong đoàn. Chỉ có những người yêu mến và noi gương Ðức Kitô mới có thể đồng hành như vậy. Cuối cùng với anh em khuyết tật, anh em đã hòa nhập vào xã hội, xóa tan những mặc cảm của cuộc sống, vươn lên mạnh mẽ để có những thành tích đáng nể. Nhiều anh chị sống trên xe lăn, thân hình tiều tụy không còn gì nữa mà còn cố gắng hành hương về quê Mẹ trong cảnh đường xa, nắng nóng, đông người... Ðây là những bài học thiết thực mà đoàn đã mang đến cho giáo dân tại Trí Bưu. Chúng con xin cảm ơn và nguyện xin Mẹ La Vang đổ muôn vàn hồng ân xuống trên Ðức Cha, anh em tình nguyện viên và các thành viên trong đoàn" - (Linh mục Gioan Baotixita Lê Văn Quý, giáo xứ Trí Bưu chia sẻ).

 

Kỳ 3: Cuộc Hội Ngộ Thú Vị Nơi Dòng Chúa Cứu Thế Huế: Thấm Ðượm Tình Chúa - Tình Người.

Huế - thành phố cổ thơ mộng nằm bên dòng sông Hương yên tĩnh, lững lờ trôi. Từng là kinh đô của một triều đại phong kiến nên nơi đây có bao nhiêu di tích từ hoàng thành Huế, khu lăng tẩm, đền đài, đình chùa,... Huế là địa điểm thu hút khá đông khách du lịch của Việt Nam. Huế cũng là điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi trong chặng đường hành hương về La Vang. Nơi đây có nhiều Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế, nhà thờ chính tòa Phủ Cam, các dòng tu như Ðan Viện Thiên An, Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Tâm, La San, Cát Minh, Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Con Ðức Mẹ Ði Viếng, Mến Thánh Giá, Phao lô. v.v. Theo lộ trình đã vạch ra từ trước, ngày 16/8/2008, một ngày sau khi kết thúc Ðại hội La Vang, đoàn Mái ấm Don Bosco đã đến Huế nghỉ tại dòng Con Ðức Mẹ và có cuộc hội ngộ thú vị với các bạn nhóm Ve Chai toàn quốc.

Một thánh lễ đồng tế đã được cử hành tại nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp lúc 11h cùng ngày với sự hiện diện của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ và các Linh mục dòng Chúa Cứu Thế.

Sau thánh lễ diễn ra buổi giao lưu tại hội trường của dòng. Tại đây, anh chị em Mái ấm Don Bosco đã có những kỷ niệm thú vị với các thành viên nhóm Ve Chai. Nhóm Ve chai hoạt động dưới sự bảo trợ của dòng Chúa Cứu Thế, song song với nhóm Bảo vệ sự sống. Tại hội trường lúc này có khoảng 130 thành viên đại diện cho hàng trăm thành viên của nhóm. Ðây là nhóm vừa phục vụ công việc vệ sinh ở thánh địa La Vang trở về. Nhân dịp này, nhóm cũng kỷ niệm 10 năm thành lập của "Ve Chai Vũng Tàu" (1998-2008). Khởi đi từ Vũng Tàu, nhóm Ve Chai đã phát triển ở Hàm Long (Hà Nội), Huế, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vĩnh Long, Bùi Chu.

Tại hội trường, sau giờ ăn trưa, các bạn của hai đoàn đã cùng tập hợp lại để sinh hoạt văn nghệ mà đặc biệt là phần giao lưu giữa một số thành viên trong đoàn. Thật là thú vị khi Mái ấm Don Bosco được chứng kiến một thành viên trong đoàn Ve Chai cũng là người khuyết tật. Ðó là cô bé Song Nga đến từ giáo xứ Hàm Long Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành, có bà mẹ chuộng đạo, thật không may, số phận đã bắt Nga phải chịu cảnh mù lòa. Sống gần nhà thờ, những tiếng chuông, lời nguyện cầu và bản thánh ca đã đưa Song Nga tìm đến với Chúa. Hành trình của Nga đi từ chỗ thích lối sống và sinh hoạt công giáo đến việc đi lễ, hát thánh ca, đánh đàn phụng vụ cho thánh lễ thiếu nhi ở nhà thờ Hàm Long. Song Nga tâm sự:

- Qua một thời gian, Nga nói với mẹ "Mẹ ơi, con không muốn đi lễ suông thế này nữa đâu. Con muốn được rửa tội cơ". Ðến năm 2004, Nga đã gặp được cha Châu, Ngài đã tận tình giúp đỡ Song Nga, Nga được học giáo lý và đến ngày 15/8/2005 Nga đã được đón nhận vào đại gia đình con Chúa trong niềm hân hoan của mọi người. Nga bây giờ trở thành một thành viên của nhóm Ve Chai tại Hà Nội.

Cả hội trường đầy xúc động khi nghe câu kết thúc chia sẻ của Song Nga biểu lộ một niềm tin mạnh vào Chúa của một tân tòng mới gia nhập đạo: "Con cảm ơn Chúa nhiều, tuy Chúa chưa cho Nga đôi mắt sáng nhưng đã cho Nga sáng tâm hồn".

Một lần nữa, Hiệp sỹ Phanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng lại được các bạn Ve Chai dìu lên để chia sẻ cho các bạn trong nhóm bí quyết thành công của người đồng đạo này.

Cũng nhân dịp này, đại diện nhóm Ve Chai đã có phần quà nhỏ gửi đến các bạn khuyết tật. Ðây là phần quà các bạn dành dụm từ việc thu gom ve chai phế liệu ở các tỉnh.

Ðều là hai đoàn về tham dự hành hương La Vang, hai đoàn đã có cuộc hội ngộ thú vị. Một đoàn để lại ấn tượng trong lòng người tại thánh địa vê tinh thần hi sinh phục vụ, thu dọn những rác thải, ni lông, xú uế, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho đất thánh. Một đoàn gây xúc động về nghị lực vươn lên vượt qua số phận khó khăn.

Thời gian chừng vài tiếng đồng hồ nhưng Mái ấm Don Bosco và nhóm Ve Chai đã hiểu nhiều về nhau, gắn kết thêm tình anh em công giáo.

 

Kỳ 4: Giao Lưu Văn Nghệ Giữa Mái Ấm Don Bosco Và Giới Trẻ Dũ Yên.

Nằm trong hành trình hành hương La Vang và du lịch xuyên miền Trung, đêm 17/8/2008, đoàn khuyết tật của Mái ấm Don Bosco do Ðức Giám Mục phụ tá Giáo Phận Bùi Chu - Phêrô Nguyễn Văn Ðệ dẫn đầu đã đến giao lưu văn nghệ với giới trẻ giáo xứ Dũ Yên, một giáo xứ ở huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh thuộc giáo phận Vinh.

Sau một vài tiết mục mở đầu của giáo xứ Dũ Yên, nhóm Cổ Nhuế - Xuân La thuộc đoàn khuyết tật, đêm văn nghệ đi vào phần chính sau lời giới thiệu vắn tắt về Mái ấm Don Bosco và hành trình của đoàn dịp này.

Tiếp lời giới thiệu của Ðức Cha, giới trẻ Dũ Yên cho khán giả được xem những điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng, màn múa kết hợp của nhiều dân tộc thiểu số như Êđê, Chăm, Thái... Ðiệu múa được các bạn thể hiện trên nền nhạc của bài "Ðôi mắt sáng", trong trang phục dân tộc nhiều màu sắc tạo sức hấp dẫn trên sân khấu.

Hoạt cảnh "Bàn tay Giê-su" được các bạn thuộc Mái ấm Don Bosco thể hiện. Trên nền nhạc của bài hát cùng tên, đưa ra những hình ảnh cụ thể về đôi bàn tay của Chúa Giê su. Chính đôi bàn tay đó đã "cứu chữa bao nhiêu cuộc đời, người tội lỗi, kẻ khốn khó, tật nguyền, khổ đau đến cùng cực trong xã hội; đôi bàn tay đó dang ra chữa lành người mù, người câm điếc, người bại liệt, phong cùi, quỉ ám và những bệnh tật khác,... Nhưng để cảm ơn, người ta đã đưa người lên đỉnh Gôngôtha. Ðôi bàn tay đó vác lấy thập giá, trên đường đi bị ngã xuống không biết bao nhiêu lần. Thông qua hoạt cảnh này, một thông điệp đã được gửi đến cho mọi người trong đêm diễn này: Ðôi bàn tay Giêsu luôn nối kết tình yêu thương giữa Thiên Chúa - nhân gian, nối kết tình người với nhau.

Trở về sau chuyến hành hương La Vang dài ngày, những dư âm tại thánh địa vẫn còn sâu đậm trong tâm trí của các thành viên trong đoàn. Ðiều đó được thể hiện phần nào qua vũ khúc "Kính mừng Nữ Vương" do các tình nguyện viên Don Bosco thể hiện. Trong Mái ấm Don Bosco đi hành hương tại thánh địa La vang đợt này ngoài 224 thành viên khuyết tật còn có nhiều anh chị tình nguyện viên. Chính họ là thành phần không thể thiếu trong chuyến đi, góp phần tạo nên sức sống của đoàn. Ðội ngũ tình nguyện viên đến từ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Phaolô Hàng Bột, Ða Minh Bùi chu và sinh viên công giáo... Vũ khúc là tâm tình của đoàn con khuyết tật nói riêng và toàn giáo hội Việt Nam nói chung dâng lên Mẹ; tung hô Mẹ La Vang là Nữ Vương của đất nước Việt Nam; nguyện xin Mẹ tiếp tục yêu thương và nâng đỡ đoàn con đất Việt. Một thông điệp cũng được gửi đến hết mọi người: giữa một xã hội tục hóa này, hãy cố gắng sống đến cùng phong cách làm người, hãy khám phá những điều thú vị của tình yêu ban tặng, hãy ống và xây dựng nên một thế giới hòa bình, một thế giới mà Mẹ hằng mong muốn.

Tiếp sau vũ khúc "Nữ Vương Hòa Bình" là vũ khúc "Thôn xưa" của giới trẻ Dũ Yên. Vũ khúc gợi nên hình ảnh một thôn quê yên bình, êm ấm, hiền hòa và quả thực nơi đây cũng có những thôn xóm bình yên như vậy. Nằm dưới chân núi, cách biển không xa nên khung cảnh Dũ Yên rất nên thơ. Trong tương lai, không biết khung cảnh nên thơ ấy có còn nữa chăng bởi hiện nay một dự án của Ðài Loan đã được ký kết, đầu tư vào đây hàng tỷ đô để hình thành nên khu công nghiệp Vũng Áng; đó là dự án khu công nghiệp gang thép lớn nhất Ðông Nam Á và là dự án lớn nhất của Việt Nam. ước mong sao, đời sống kinh tế của giáo dân trong xứ ngày càng phát triển và lòng đạo vẫn luôn vững vàng, tiếp bước các bậc tiền nhân đã đi ở mảnh đất phía nam Hà Tĩnh này.

Cũng nhẹ nhàng và uyển chuyển như điệu múa đa dân tộc của các bạn trẻ Dũ Yên điệu múa "gáo dừa" của tình nguyện viên Don Bosco. Trên sân khấu lúc này, người xem được chứng kiến những chàng trai, cô gái Chăm trong trang phục màu vàng truyền thống, rực rỡ dưới ánh đèn. Những chiếc vỏ dừa tưởng chừng như vất đi lại được các anh chị tận dụng làm thành những vật diễn độc đáo, âm thanh nghe rất vui tai.

Hầu như các tình nguyện viên Don Bosco đều đến từ các Giáo phận miền Bắc, nhất là ở Giáo phận Bùi Chu, các bạn mang đến đây những nét đặc trưng văn hóa của mình qua vũ khúc "Trống cơm" theo làn điệu dân ca Bắc Bộ. Vũ khúc đã làm không khí đêm diễn nóng lên bởi nhạc điệu rộn ràng của nó.

Trong đoàn có không ít thành viên có nhiều năng khiếu, có người đã sáng tác và tự biễu diễn tác phẩm của mình. Một trong số đó là anh Phúc- tình nguyện viên Don Bosco với khúc ca "Niềm vui vọng mãi". Một ca khúc anh tự sáng tác nhưng không thua kém sáng tác của các nhạc sỹ. Ðáp lại bài hát của anh, giới trẻ trong xứ cũng biểu diễn một màn nhảy theo vũ điệu Hiphop không kém phần sôi động, chuyên nghiệp.

Xen kẽ những tiết mục văn nghệ là phần bắt thăm may mắn. Mỗi người đều được phát một tấm phiếu trong đó có ghi một con số bất kỳ. Chính Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ và Cha xứ Vincentê Trần Bích lựa chọn từ thùng phiếu con số trúng thưởng.Ai may mắn được lựa chọn sẽ được trao những phần quà. Ðây là nội dung mà mọi người nhất là các em đều thích thú. Sau nhiều lần tuyển chọn, em Matta Nguyễn Thị Giang thuộc họ Dũ Yên đã được trao giải thưởng là một chiếc xe đạp mi ni mới.

Ðêm đã vào khuya, để kết thúc đêm diễn và cũng để nói lời chia tay với giới trẻ giáo xứ, bài hát "Không phải lỗi tại con" của nhạc sỹ Trọng Khẩn được các anh chị em khuyết tật cất lên cùng với lời dẫn của Ðức Cha Phêrô: "Các em không có được số phận may mắn như chúng ta, có người không cha, không mẹ, có người chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng long lanh hay nghe một âm thanh diệu huyền nào, chưa một lần chạy nhảy cùng bạn bè tự do, chưa một lần đưa tay hái những bông hoa tươi thắm để dâng tặng mẹ che, chưa một lần cất lên tiếng nói để nói lên hai tiếng cám ơn cũng chưa hát được âm thanh nào để chúc tụng Thiên Chúa, v.v. Cuộc đời các em đã có nhiều khổ đau và tủi hờn. Các em không kết án ai cả, "không phải lỗi tại con, cũng không phải của cha hay của mẹ"# mặc dù có nhiều trường hợp có nhiều trách nhiệm của gia đình và xã hội. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, tấm gương Chúa Giêsu quằn quại trên cây Thánh giá được các em nhìn lên để được giúp đỡ. Các em sẽ dâng lên Chúa nhưng đau khổ của cuộc đời mình, "tạ ơn Thiên Chúa trong nỗi đau phận người", nhìn cuộc đời "bằng con mắt của tình yêu Thiên Chúa" và để chính thân phận hèn mọn của mình "làm rạng danh một Thiên Chúa giữa nhân loại hôm nay".

Thời gian gặp gỡ giữa các thành viên khuyết tật trong Mái ấm Don Bosco với giới trẻ Dũ Yên thật không dài nhưng nó đã thực sự để lại nhiều ấn tượng. Các bạn Don Bosco biết thêm một vùng đất tươi đẹp ở miền Trung gió lào và nắng gió, biết thêm những tín hữu chất phát, hiền hòa ở giáo phận phía nam của Tổng giáo phận Hà Nội. Ðặc biệt hơn, các em ở Dũ Yên lại được các bạn khuyết tật tiếp thêm ánh lửa niềm tin và hy vọng, tiếp thêm ý chí vươn lên đối diện khó khăn thử thách gặp phải trong cuộc sống.

 

Kỳ 5: Biển Cửa Lò: Ðiểm Cuối Của Hành Trình.

Cửa Lò - một điểm du lịch nổi tiếng của Nghệ An được chọn làm đích điểm ghé chân cuối cùng của đoàn trong chuyến hành trình đợt này. Từ Vinh đi 18 km đến bãi biển Cửa Lò. Bãi biển dài gần 10 km, cát trắng phau, mịn màng. Rừng phi lao xanh tốt. Nước biển trong xanh, độ mặn từ 3.4 đến 3.5%. Nhiệt độ mùa đông từ 18 đến 20oC, mùa hè khoảng 25oC. Biển Cửa Lò đẹp với bờ biển trải dài, quyến rũ bao du khách.

Ðặt chân đến Cửa Lò lúc 15 h ngày 18/8/2008 , khoảng thời gian đẹp để các bạn xuống tắm biển và thưởng thức phong cảnh nơi đây. Cũng như ở biển Gia Ðẳng, Quảng Trị, có nhóm khuyết tật thật sung sướng khi được ngâm mình dưới làn nước trong xanh, mát mẻ, nhóm khác vui vẻ dạo chơi, nghỉ ngơi, thư giãn trên những công viên gần bờ. Với phong cảnh đẹp, trời và nước xanh trong, bãi biển cát vàng trắng xoá, sóng bạc đầu rì rào ngày đêm, làn gió thoảng từ biển thực sự đem lại cho các bạn cảm giác khoan khoái sau chuyến hành trình xuyên Việt đầy mệt nhọc. Người dân ở đây không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hàng trăm em khuyết tật đang nô đùa trên bờ biển lúc này.

Chỉ tội Ðức Cha và ban tổ chức lo lắng vì các em xuống nước khá nhiều, mà các em lại không phải như người bình thường có thể kiểm soát được. Ðức Cha phải luôn dùng micrô cầm tay để nhắc nhở các thành viên trong đoàn không được đi xa hơn, đồng thời Ngài cũng nhắc nhở các tình nguyện viên quan tâm kiểm soát từng em một.

Tắm biển xong, các em đã nghỉ chân ở nhà khách dòng Chúa Cứu Thế và khách sạn Hải Âu. Giờ ăn tối cùng là giây phút chia tay, tạm biệt của các nhóm khuyết tật. Rồi đây, các bạn sẽ ra đi để làm chứng nơi một phương trời mới. Nhưng chuyến đi thực sự để lại nhiều điều bổ ích.

 

Những tâm sự sau một chuyến đi.

"Không phải là một tín hữu công giáo, em không thể tưởng tượng được tại sao lại có nhiều người đến thế trong một địa điểm La Vang nhỏ bé, dân giã như vậy. Rất nhiều trong số đó là người già cả, lại có thêm những em nhỏ đang được mẹ bế trên tay. Em nhìn thấy một số bà mẹ của mình cố gắng chạm tay vào tượng Mẹ như xin một điều gì đó từ Mẹ La Vang". Một thành viên trong đoàn đến từ Hà Nội cho biết.

Ðối với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên có một hành trình đi xa như thế này bởi vì những mặc cảm trong cuộc sống hay không đủ kinh phí để đi. Về đây sinh hoạt với Mái ấm Don Bosco, các bạn đã được đi nhiều nơi, thăm thú được nhiều phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, biết được cuộc sống bên ngoài như thế nào. Mặt khác, các bạn cũng được làm quen với nhiều bạn đồng cảnh ngộ. Niềm tin vào cuộc sống của một số thành viên tăng lên không còn mặc cảm nữa khi biết rằng bao nhiêu bạn có hoàn cảnh bi đát hơn mình vẫn cố gắng vươn lên, giúp ích cho đời mà người bình thường ít ai làm được.

- "Tôi dặn lòng mình hãy cố gắng lên, vượt qua bản thân, chiến thắng nổi đau như các bạn khác"... Một thành viên Cổ Nhuế tâm sự.

Với các bạn trong nhóm Nghị Lực Sống (Linh Ðàm) ra đi về quê Mẹ với một lời cầu nguyện cho một bạn trong nhóm đang bị ung thư máu nằm ở bệnh viện Bạch Mai. Thảo Vân tâm sự: "Nhóm chúng con có nhiều thành viên tham gia, tham gia đợt này chỉ có hơn 25 bạn. Một bạn trong nhóm là Lệ Chi đang trong tình trạng nguy kịch. ước mong lớn nhất của con trong chuyến đi đợt này là xin Mẹ Maria giúp đỡ bạn trong hành trình vượt qua nguy hiểm và biết chấp nhận những đau khổ của cuộc đời mà không phàn nàn hay oán trách".

Tham dự chuyến đi này có nhiều bạn bị câm, điếc; niềm vui đó không có thể thể hiện thành lời nhưng tôi đọc ánh mắt, khuôn mặt của các em nhiềm vui và biết ơn sâu sắc. Ðôi khi, các bạn còn muốn dùng tay để ra hiệu cho tôi biết tình cảm của mình mặc dù tôi hiểu được chữ được, chữ không.

-"Ðược đi lần này rồi chết cũng mãn nguyện", một thành viên hơn 47 tuổi bị liệt bẩm sinh đến từ Giáo Phận Thái Bình. Người khuyết tật già nhất trong đoàn cười cho biết.

Khi được hỏi hình ảnh nào để lại trong tâm trí mình sau chuyến đi sâu đậm nhất, một thành viên từ Giáo Phận Vinh cho biết đó là trưởng đoàn Mái Ấm Don Bosco - Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ: "Ðức Cha là một chức vị quan trọng trong giáo hội, công việc nhiều vì lo cho cả một giáo phận. Thế mà, Ngài đã không quản bao nhiêu mệt nhọc lo cho chúng tôi. Tôi biết Ngài yêu thương chúng tôi lắm mới hi sinh như thế".

Quả thật, Ðức Cha Phêrô đã dành những ân cần, sự quan tâm lo lắng, sự yêu thương chân thành của của Ngài dành cho hết mọi người trong các anh em. Mọi người trong đoàn thường gọi Ngài bằng cái tên "Bố Ðệ" nghe thân thương và dễ gần biết bao. Quả thật, Ngài là một vị mục tử nhân lành, hết mình vì đoàn con khuyết tật của Ngài. Lo cho các em từng ly, từng tý. Mỗi khi đi đến các địa điểm nào, Ngài cũng đến kiểm tra sinh hoạt từng nhóm, nhất là khi đi ở các vùng biển, Ngài luôn đi cùng các em, nhắc nhở các em không được đi xa bờ. Ði theo đoàn có những thành viên sức khoẻ không tốt thì Ngài luôn đến động viên, kịp thời có những giúp đỡ cần thiết.

Ngoài Ðức Cha ra thì còn có những thầy Sáng, thầy Chương, thầy Hoa, thầy Vịnh và các xơ luôn hết mình vì các em.

Nghĩ lại chặng hành trình đã qua, cả đi và về khoảng 1,400km không xảy ra sự cố nào đáng tiếc, không xảy ra ca cấp cứu nghiêm trọng nào; quả thật có ơn Ðức Mẹ La Vang che chở giữ gìn. Ðó cũng là một sự cố gắng lớn của đoàn con khuyết tật dâng lên Mẹ. Xin trích lời Lm Lê Quang Quý, quản xứ Trí Bưu "Chỉ có những con người có tâm hồn và trái tim của Chúa Giêsu mới làm được như vậy. Ước mong có nhiều bạn trẻ lành lặn tiếp bước con đường mà các bạn khuyết tật không may mắn đã làm được". Kết thúc buổi chia tay tại đây, các bạn lên đường về Hà Nội, chuyến hành hương và giao lưu, du lịch xuyên Việt kết thúc thành công và tốt đẹp. Một lần nữa xin tri ân Ðức Mẹ La Vang, Hiền mẫu của chúng con, xin chân thành cảm ơn Ðức Cha Phêrô và các tình nguyện viên đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ người khuyết tật chúng con.

 

Ant. Trần Ðức Hà

Mục lục

 

Hành hương Năm Thánh của Hội Con Đức Mẹ Bùi Chu

Sáng ngày 22 tháng 08 năm 2008, lễ Đức Mẹ Trinh Vương, trong khí trời oi bức, hơn 100 đoàn hành hương của tất cả các giáo xứ trong giáo phận tuốn về Đền thánh các thánh tử đạo Quần Phương, Hải Hậu, Nam Định để mừng lễ bổn mạng nhân dịp năm thánh Đức Mẹ.

Từ 7 giờ sáng, các hội viên Con Đức Mẹ đi bằng nhiều phương tiện đi bộ, xe đạp, xe máy, ôtô đã có mặt ở quảng trường nhà thờ. Các ngả đường vào Đền thánh đều đông người. Từ trong nhà thờ, linh mục dòng Đaminh Giuse Đinh Khắc Vịnh đang nói về ý nghĩa của ngày lễ. Kế đó là phần giới thiệu Đức cha phụ tá Phêrô, Linh mục đặc trách cũng là cha quản nhiệm Đền các thánh tử đạo Việt Nam Quần Phương và các linh mục đặc trách của các giáo hạt.

Tiếp đến là phần thuyết trình của Đức cha phụ tá Phêrô. Trong bài thuyết trình, ngài nói với các hội viên về đời sống phải có bên cạnh sự gia nhập của họ. Gia nhập một đoàn hội không phải chỉ có tên mà thôi nhưng cần phải có việc làm. Đức cha trích lời của thánh Giacôbê: "Đức tin không có việc làm là đức tin chết".

Xen kẽ các bài thuyết trình là các tiết mục ca hát, kịch nghệ của các đại diện 6 giáo hạt.

Đúng 10 giờ, đoàn lễ nghi đi từ trung tâm mục vụ vào Đền thánh. Trong thánh lễ, ngoài Đức cha phụ tá, còn có sự hiện diện của cha tổng đại diện, và 20 linh mục. Đức cha phụ tá đã nói về vai trò của Đức Mẹ trong công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, sau đó ngài kêu gọi các hội viên là những người mẹ hãy có một phương pháp giáo dục con cái cho thật tốt trong năm mà Hội đồng giám mục Việt Nam đề ra khẩu hiệu giáo dục kitô giáo.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 30.

Buổi chiều, chương trình được tiếp tục lúc 13 giờ với bài thuyết trình đầu tiên của một linh mục dòng Chúa Cứu Thế. Trước khi trình bày về Đức Mẹ, ngài đã phỏng vấn một số hội viên về cảm nhận của mình trong ngày hành hương, những gì họ nhớ được với những bài thuyết trình buổi sáng và bài học rút ra cho cuộc sống sau ngày hành hương.

Ngày hành hương kết thúc bằng nghi thức cung nghinh Thánh Thể xung quang Đền Thánh lúc 17 giờ. Ai nấy ra về trong niềm vui của ngày hành hương dù thời tiết oi bức. Mọi người quên đi cả cái nóng và sẵn sàng dâng cho Đức Mẹ sự hy sinh này.

Nên nói thêm rằng Quần Phương xưa kia có tên là Quần Anh, một trong ba địa danh của Bùi Chu Nam Định mà giáo sĩ Inikhu đã đặt chân đến truyền giáo. Giáo đạo này ngày nay rất sầm uất, có đông ơn gọi linh mục. Thứ Ba tới đây, cha Vinh Sơn Đỗ Huy Hoàng mới tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ tại Rôma sẽ dâng lễ tạ ơn sau hơn 10 năm du học tại Pháp quốc và Italia.

Lm Vinhsơn Đinh Minh Thoả

Mục lục

 

 

Caritas sẽ đồng hành để đóng góp cho hạnh phúc, hoà bình, thịnh vượng của toàn thể gia đình nhân loại

 

Sau 30 năm tạm ngưng hoạt động (từ tháng 6-1976), Caritas Việt Nam (Caritas VN) chính thức được thành lập trở lại. Xin giới thiệu bài phỏng vấn Đức Giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh (ĐGM.NCT), Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) – Caritas VN, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), do PV Lê Hữu Tuấn thực hiện (đã đăng trên CG và DT, số 1670, tuần lễ từ 15-8 đến 21-8-2008).

PV: Thưa Đức cha, những ngày qua có thông tin Caritas VN đã được Nhà Nước công nhận trở lại sau hơn 32 năm (kể từ tháng 6-1976). Xin Đức cha xác nhận chính thức thông tin này?

ĐGM.NCT: Đúng là Caritas VN đã được Nhà nước công nhận trở lại sau 32 năm tạm ngưng hoạt động. UBBAXH/HĐGMVN đã nhận được công văn số 941/TGCP-CP của Ban Tôn giáo Chính phủ đề ngày 2-7-2008 cho phép UBBAXH/HĐGMVN được sử dụng tên Caritas VN và cho Caritas VN hoà nhập vào mạng lưới Caritas Internationalis cũng như cho Caritas được thành lập tại 26 giáo phận trên toàn quốc. Tôi nghĩ đây là một tin vui cho UBBAXH cũng như cho Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN).

PV: Hành trình để đi đến việc được công nhận Caritas diễn ra như thế nào, thưa Đức cha?

ĐGM.NCT: Đó là một hành trình dài vì sau khi được lệnh tạm ngưng hoạt động vào tháng 6-1976, HĐGMVN vẫn không ngừng đề nghị Nhà nước cho phép Caritas hoạt động trở lại và tái hoà nhập với Caritas Quốc tế. Điều này được thể hiện ngay từ năm 1999, khi HĐGMVN đề nghị ban biên soạn cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam giới thiệu Caritas VN như một Hiệp hội Công giáo Tiến hành (x. HĐGMVN, GHCGVN Niên Giám 2005, tr. 446-449). Sau khi thành lập UBBAXH vào năm 2001, HĐGMVN đã không ngừng nhắc lại đề nghị trên, và vào ngày 5-3-2008, UBBAXH đã gửi đơn chính thức đến Ban Tôn giáo Chính Phủ. Sau khi cân nhắc và tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan, ngày 2-7-2008, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi thư chính thức trả lời cho phép.

PV: Nhận định của Đức cha về sự kiện này?

ĐGM.NCT: Tôi nghĩ đây là một hành động tích cực của Nhà nước Việt Nam đối với GHCGVN trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đối với Giáo Hội trong nước, sự kiện này mở ra một giai đoạn mới. Từ nay, các hoạt động từ thiện và bác ái xã hội của GHCGVN được tổ chức và điều hành theo đường hướng thống nhất từ giáo xứ đến giáo phận và đến trung ương, thay vì tản mác như trước đây. Còn đối với thế giới, các hoạt động này được hoà nhập vào mạng lưới chung của Caritas Quốc tế và cùng đồng hành với các tổ chức thiện nguyện trên toàn cầu để đóng góp cho hạnh phúc, hoà bình, thịnh vượng của toàn thể gia đình nhân loại.

PV: Xin Đức cha vui lòng kể cho độc giả vài dòng lịch sử và hoạt động của Caritas Việt Nam trước năm 1976?

ĐGM.NCT: Caritas Việt Nam được Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam thành lập vào năm 1965 ở Trung ương và năm 1966 được thành lập tại các giáo phận. Tên của mỗi giáo phận được đặt sau tên Caritas để gọi, thí dụ như: Caritas Sài Gòn, Caritas Xuân Lộc, Caritas Huế… Mỗi Caritas giáo phận có văn phòng và hoạt động theo chương trình chung của Caritas Việt Nam đề ra cho những hoạt động bác ái xã hội như giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, các người nghèo khổ, tàn tật… Caritas Việt Nam, trong thời gian 1965-1976, đã hoạt động tích cực trên khắp các giáo phận miền Nam với Văn phòng Trung ương đặt ở số 1 Trần Hoàng Quân, Quận 5, Sài Gòn, nay là số 1 đường Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP. HCM. Cơ sở này đã được Nhà nước tiếp quản cùng với mọi phương tiện hoạt động vào năm 1976. Trong những năm chiến tranh, Caritas Việt Nam đã tích cực giúp đỡ những nạn nhân nghèo khó, tàn tật, mồ côi, goá bụa với nhiều chương trình về y tế, giúp đỡ các người phong cùi, câm điếc, đào tạo nghề nghiệp, chương trình học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ các cô gái mại dâm hoàn lương, đặc biệt chương trình giúp cho nạn nhân chiến tranh trở về nguyên quán 1975-1976…

PV: Mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ và hoạt động của Caritas là gì, thưa Đức cha?

ĐGM.NCT: Tên Caritas, như mọi người đã biết, nguyên ngữ Latinh, có nghĩa là bác ái, yêu thương cách quảng đại, hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Giáo Hội khuyến khích thành lập tổ chức Caritas trong tất cả các nước ở mọi châu lục. Caritas Internationalis (Caritas Quốc tế) được thành lập năm 1951 và hiện nay có 162 tổ chức thành viên. Trụ sở đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy. Nếu được tái hoà nhập, Caritas Việt Nam có thể là thành viên thứ 163 của tổ chức Caritas Quốc tế.

  Caritas VN có mục đích giúp HĐGMVN thực hiện các hoạt động bác ái xã hội với đường hướng sau đây:

1. Thăng tiến và phát triển con người toàn diện.

2. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.

3. Phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội.

4. Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.

Tôn chỉ:

1.  Bảo vệ nhân phẩm: sự sống con người, nhất là người nghèo khổ, yếu kém

trong xã hội.

2.  Dấn thân hoạt động để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.

3.  Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong

gia đình nhân loại.

4.  Bảo vệ môi trường sống trong sạch, lành mạnh.

 Nhiệm vụ:

-  Caritas Việt Nam có nhiệm vụ giúp HĐGMVN để thực hiện các công tác bác ái xã

hội theo các mục đích và tôn chỉ trên.

-  Hợp tác với các tổ chức từ thiện xã hội trong cũng như ngoài nước, để thực hiện

các hoạt động bác ái xã hội.

-  Phối hợp và tổ chức các hoạt động bác ái xã hội cùng với Caritas của các giáo

phận để thực hiện các chương trình và dự án theo kế hoạch đề ra.

Nguyên tắc hoạt động:

Caritas Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo.

Caritas Việt Nam hoạt động theo nhu cầu. Caritas Việt Nam là một tổ chức tự nguyện đảm nhận các công tác xã hội. Caritas Việt Nam cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

Caritas Việt Nam là một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Việc quản trị phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.

Caritas Việt Nam hoạt động dựa trên sự cộng tác. Caritas Việt Nam tôn trọng sự dấn thân khác nhau và độc lập của các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, cá nhân và các đoàn thể tương trợ. Caritas Việt Nam luôn sát cánh với các cơ quan từ thiện khác.

PV: Xin Đức cha cho biết Caritas Việt Nam sẽ có cơ cấu tổ chức thế nào sau khi được phép hoạt động trở lại và những dự tính hoạt động trong tương lai?

ĐGM.NCT: Chắc chắn Caritas Việt Nam sẽ có cơ cấu tổ chức phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và với sự tiến bộ của mạng lưới Caritas toàn cầu. Sau 32 năm ngưng hoạt động, Caritas Việt Nam bắt đầu lại từ con số không: không nhân sự được đào tạo, không cơ sở, không phương tiện hoạt động tại Trung ương cũng như tại các giáo phận và giáo xứ, nhưng chúng tôi tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, cũng như vào lòng đạo đức tích cực của người tín hữu Việt Nam. Việc cấp thiết bây giờ là chúng tôi cần đào tạo gấp rút nhân sự cho văn phòng Trung ương và Văn phòng Caritas giáo phận, gây ý thức dấn thân hoạt động bác ái nơi cộng đồng dân Chúa và tạo một số phương tiện làm việc tối thiểu cho các văn phòng.

Chúng tôi đã gửi một thư ngỏ (đã đăng trên web của HĐGMVN - BBT) cho cộng đồng dân Chúa để thông báo về việc này và mời gọi mọi Kitô hữu tham gia vào hoạt động bác ái xã hội tại giáo phận để thể hiện tình yêu quảng đại của Đức Kitô. Sau đó, chúng tôi sẽ làm đơn xin tái hoà nhập vào mạng Caritas toàn cầu.

Đồng thời chúng tôi cũng sẽ tổ chức Đại Hội đầu tiên (sau 1975) của Caritas Việt Nam vào tháng 10-2008, trong đó có sự tham dự của đại diện chính quyền, đại diện Caritas Internationalis và các Caritas quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, để chính thức ra mắt Caritas Trung ương và Caritas giáo phận với cơ cấu nhân sự và chương trình hoạt động sắp tới.

Tôi mong ước tất cả chúng ta cùng tham gia vào hoạt động bác ái xã hội để làm sáng danh Chúa và đem lại hạnh cho con người.

PV: Xin hết lòng cám ơn Đức cha!

Lê Hữu Tuấn thực hiện

Mục lục

 

 

Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân và người có HIV/AIDS


Lúc 15 giờ ngày 28-8-2008, Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, và Ban Mục vụ Chăm sóc Người có HIV/AIDS TGP TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho khoảng 400 bệnh nhân, đặc biệt là những người sống với HIV/AIDS, tại Nhà nguyện Đại Chủng viện Thánh Giuse TP. Hồ Chí Minh, do Lm. Antôn  Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH, chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức ông Robert Vitillo, thuộc Caritas Quốc tế và là Chủ tịch Tổ chức CHAN (Catholic HIV/AIDS Network), Lm. G.B. Phương Đình Toại, Trưởng ban Mục vụ HIV/AIDS của TGP. TP. Hồ Chí Minh, và 8 linh mục khác đang hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS.

Tham dự Thánh lễ còn có Bà Tiến sĩ Bác sĩ Rabia Mathai, thuộc Tổ chức CMMB (Catholic Medical Mission Board), các tu sĩ, bác sĩ, y tá và giáo dân đang làm việc tại các phòng khám, nhà mở, mái ấm, các nhóm tư vấn, cầu nguyện và chăm sóc hỗ trợ người có HIV/AIDS tại TGP TP. Hồ Chí Minh.

Trong Thánh lễ này, có hơn 100 bệnh nhân có HIV/AIDS đã nhận lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân do Đức ông Vitillo và 4 linh mục cử hành.

Trong bài giảng, Đức ông R. Vitillo đã chia sẻ rằng lần nào đến Việt Nam ngài cũng xúc động vì thấy đức tin của người tín hữu thể hiện qua hành động và cuộc sống khi quy tụ thành những buổi gặp gỡ như thế này. Và mỗi lần rời Việt Nam, ngài lại mang những tâm tình này đi khắp nơi. Đặc biệt trong lần trở lại Việt Nam này, ngài nói có nhiều lý do để cảm thấy được khích lệ và có thêm niềm vui. Lý do thứ nhất, có một đồng nghiệp cùng đồng hành với ngài là Tiến sĩ Bác sĩ Rabia Mathai, đang làm việc trong một tổ chức Y tế Công giáo tại New York, Hoa Kỳ, chuyên giúp cho các Giáo Hội ở các nơi trên thế giới về HIV/AIDS; và ngài hy vọng khi biết về tình trạng của Việt Nam, bà có thể làm một cái gì đó cho đất nước này. Lý do thứ hai, Caritas Việt Nam đã chính thức được thành lập trở lại, và hứa hẹn sẽ hoạt động mạnh hơn trong những năm tới.

 

Ngài cũng chia sẻ niềm vinh dự được tham dự Thánh lễ cầu nguyện và chữa lành cho bệnh nhân, được cử hành đúng vào ngày lễ Thánh Augustinô, vị Tiến sĩ Hội Thánh, và cũng là vị thầy vĩ đại về kinh nghiệm hoán cải. Chính thánh nhân sẽ nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến vai trò, sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong đời. Ngài mời gọi mỗi người hãy hoán cải đời sống, noi theo gương sáng của thánh nhân, tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Và nhất là đừng quên câu nói thời danh của thánh nhân: “Linh hồn tôi sẽ còn khắc khoải bao lâu nó chưa được nghỉ yên trong Chúa”.

Với các bệnh nhân, ngài chia sẻ rằng, với những bệnh tật và đau khổ mà chúng ta gánh chịu, nhiều khi chúng ta có cảm giác cô đơn, dường như chúng ta đã bị Chúa bỏ rơi. Như xưa, chính Chúa Giêsu đã đến với tất cả những người đau khổ, bệnh tật. Ngài không đứng xa xa, nhưng lại gần, chạm vào họ và chữa lành cho họ, thì ngày nay, bằng cách này cách khác, Chúa vẫn hiện diện và chữa lành qua hành động của những người đang đồng hành với chúng ta đây. Cùng với lời chia sẻ này, ngài mời gọi từng bệnh nhân tiến lên để chịu phép xức dầu bệnh nhân, với ý thức rằng để vượt qua bệnh tật, mỗi người cần đến sức mạnh của Thiên Chúa và chính Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh đó.

Sau Thánh lễ, mỗi bệnh nhân được nhận một phần quà, còn các linh mục, tu sĩ và giáo dân đang làm đang làm việc tại các phòng khám, nhà mở, mái ấm, các nhóm tư vấn, cầu nguyện, và chăm sóc hỗ trợ người có HIV/AIDS đã có gần 2 giờ gặp gỡ trao đổi và giao lưu với Đức ông Robert Vitillo tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Sau phần gặp gỡ trao đổi, tất cả cùng chia sẻ bữa ăn huynh đệ.

Một điều đặc biệt là Đức ông R. Vitillo cũng vừa mới tham dự 2 Hội nghị Thế giới về HIV/AIDS: 6-2008: Hội nghị dành cho các Bộ trưởng Bộ Y tế của nhiều chính phủ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, bàn về vấn đề HIV/AIDS của toàn thế giới. Và vào đầu tháng 8 này, Hội nghị HIV/AIDS Thế giới lần thứ 17 được tổ chức tại Mexicô, với khoảng 22.000 bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên y tế… bàn thảo về vấn đề HIV/AIDS trên toàn thế giới.

Đức ông đã giới thiệu những số liệu mới nhất về tình hình HIV/AIDS trên toàn thế giới. Theo con số thống kê (năm 2008), trên thế giới có khoảng 33 triệu người nhiễm HIV/AIDS (có đến 45% trong số này là người trẻ (từ 15-25 tuổi), 2/3 số người này sống tại các nước Nam Phi, 5 triệu người sống tại Châu Á). Năm 2007, thế giới có 2,7 triệu người nhiễm mới (tức mỗi ngày trên thế giới có khoảng 7.400 người nhiễm mới), và có 2 triệu người chết vì AIDS. Nhận định về tình hình này, một số nước có tỉ lệ nhiễm giảm, nhưng một số nước tỉ lệ đó lại tăng lên, trong đó có Việt Nam (tỉ lệ nhiễm tăng gấp đôi từ giữa những năm 2000-2005), Indonesia và Pakistan.

Tình trạng này dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu dân số (có quá ít người ở độ tuổi trung niên để chăm sóc cho người già và trẻ em), tuổi thọ càng ngày càng giảm (hiện nay tuổi thọ trung bình ở Châu Phi là 30-45 tuổi), gia tăng tình trạng nghèo đói (ước tính phải chi 82% tổng thu nhập của gia đình để lo cho 1 người nhiễm HIV), càng ngày càng nhiều số trẻ mồ côi vì HIV (Châu Phi hiện có khoảng 12 triệu trẻ em mồ côi vì HIV, đa số thiếu ăn trầm trọng và không được học hành), và người phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nhiều nhất vì vấn đề này.

Điểm đặc biệt lưu ý là Liên Hiệp Quốc đã chính thức khuyến cáo nên cho các bệnh nhân dùng thuốc khi số tế bào CD4 hạ xuống mức 340/mm3 máu, thay vì đợi tới 200 như quy định của Bộ Y tế đang áp dụng cho các cơ sở điều trị ở Việt Nam hiện nay.

Đức ông cũng nêu lên một hiện tượng đáng mừng là càng ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được uống thuốc đặc trị ARV và càng ngày càng có nhiều phụ nữ nhiễm HIV mang thai được tiếp cận thuốc để phòng lây nhiễm sang con. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ có khoảng 30% người lớn và 15% trẻ em được uống thuốc đặc trị. Chỉ riêng năm 2007, có tới 290.000 trẻ chết vì không có thuốc, và những trẻ này đều chết dưới 2 tuổi. Một tin mừng khác là đã huy động được một nguồn quỹ lớn hơn để hỗ trợ cho người có H, hiện quỹ toàn thế giới có hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì con số này tuy có dồi dào hơn trước nhưng vẫn chưa đủ vì cần có 20 tỷ USD để lo cho vấn đề này. 

Tình hình trên cho thấy HIV vẫn còn là một vấn đề lớn trên toàn thế giới mà mọi người phải quan tâm. Tình hình đó cũng cho thấy tầm quan trọng trong việc giáo dục người trẻ (45% số người nhiễm tuổi từ 15-25, đa số lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục). Bạn trẻ cần hiểu biết những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, cần được giới thiệu những giá trị đạo đức, giá trị của tình yêu, giá trị của sự sống. Cho đến nay, việc tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV đều chỉ đưa ra một liệu pháp duy nhất là sử dụng bao cao su. Nhưng đối với Giáo hội Công giáo, Giáo Hội luôn khuyến khích bạn trẻ không quan hệ tình dục trước hôn nhân, và chung thuỷ trong hôn nhân, như Đức Gioan Phaolô II đã đề cao: “Muốn chiến thắng HIV/AIDS thật sự, chiến thắng HIV/AIDS một cách có trách nhiệm, cần cổ vũ sự phòng bệnh, qua việc tôn trọng giá trị thánh thiêng của sự sống, đào tạo con người hiểu đúng về tình dục, đức khiết tịnh và lòng chung thuỷ trong hôn nhân”.

Nhiều người ngày nay vẫn cho rằng đây là biện pháp cổ hủ, lỗi thời, nhưng theo nghiên cứu mới đây ở Thái Lan cho thấy, số người nhiễm mới ở Thái Lan giảm nhiều do liệu pháp thay đổi hành vi (giảm số lượng bạn tình, không quan hệ tình dục trước hôn nhân) thông qua thông tin, truyền thông, khuyến cáo.

Đức ông cũng cho biết nhiều Hội đồng Giám mục trên thế giới đã đưa ra những chương trình cụ thể nhằm giáo dục bạn trẻ về vấn đề này. Như Giáo hội Công giáo tại Ấn Độ chẳng hạn, Hội đồng Giám mục tại nước này đã lên chương trình giáo dục người trẻ ở trong và ngoài trường học. Tại đây, có 20.000 trường học Công giáo, trong khi chỉ có 2% dân số Ấn Độ là Công giáo; và có hơn 100 chương trình hỗ trợ cộng đồng cho người có H trên toàn Ấn Độ. 

Đức ông nhấn mạnh rằng việc chăm sóc mục vụ, tâm linh cho người có H là thế mạnh nhất mà Giáo Hội chúng ta làm được cho người có H, bên cạnh thuốc men, y tế, thông tin, truyền thông. Ngài mời gọi hãy làm mọi cách có thể và làm một cách chuyên nghiệp cho những người có H, với bàn tay, tâm trí và con tim của Đức Giêsu. Để kết thúc phần giao lưu và chia sẻ, Đức ông đã mượn lời của Hội đồng Giám mục Ethiopia: “Tất cả chương trình mục vụ của chúng ta cho người có HIV/AIDS phải được xây dựng theo ánh sáng của Chúa Kitô”. Và người Công giáo trước đại dịch HIV/AIDS được mời gọi nên thánh, thực hành đức khiết tịnh và sống sao để làm chứng cho những giá trị của Nước Trời.

UBBAXH

Mục lục

 

Cuộc hành trình “Thắp sáng Trại phong Di Linh” của ca đoàn giáo xứ Xóm Chiếu Sàigòn

Di Linh, Lâm Đồng - “Thắp sáng Trại phong Di Linh” là chủ đề mà các ca viên của các ca đoàn giáo xứ Xóm Chiếu, Quận 4, Sài Gòn chọn cho cuộc hành trình của mình để đến với những người bệnh phong cùi trong hai ngày 23 – 24/08/2008.

Sáu mươi tám năm về trước, ngày 30/10/1940, thi sĩ Hà Mặc Tử, một thi sĩ Công Giáo với những bài thơ đời và thơ đạo nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 28 vì mắc căn bệnh phong cùi không thể chữa trị. Ngày hôm nay, với sự tiến bộ của y khoa, bệnh phong (cùi, hủi) hoàn toàn có thể chữa khỏi, nhưng vì mức độ tàn phá cơ thể cũng như những biến chứng tai ác, nên dù người ta có kiến thức nhiều hơn về căn bệnh này, các bệnh nhân phong vẫn phải gánh chịu nhiều thành kiến xã hội, bị xa lánh, cô lập, và thậm chí bị hắt hủi.

Đặt chân lên Cao Nguyên Di Linh cũng là lúc bầu trời đã tối mịt, con đường quanh co ghập ghềnh đồi dốc từ thị trấn vào Trại Phong lại càng tối hơn vì chúng tôi đến đây đúng vào lúc cúp điện. Bước xuống xe cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cái không khí lạnh của vùng cao 1.000 mét so với mực nước biển này. Sự chu đáo của ban tổ chức tỏ ra hữu hiệu, máy phát điện mang theo cũng có chỗ sử dụng rồi đây, và chủ đề của anh em ca viên các ca đoàn chúng tôi dường như cũng đúng theo nghĩa đen: “Thắp sáng Trại phong Di Linh”.

Khi mọi công tác chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau hoàn tất cũng là lúc mọi người đã vã mồ hôi và cái nóng lại ngập tràn cơ thể. Lúc chúng tôi ngã lưng nghỉ ngơi sau một chuyến đi mệt nhoài cũng là lúc các dì (các nữ tu trong Trại phong) phải thức thay chúng tôi đến một hai giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng cho 330 phần ăn. Các dì là thế đó, luôn hy sinh vì tha nhân, và điều đó có lẽ luôn đúng đối với 9 nữ tu Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phục vụ trong Trại phong này.

Trở lại với các phần ăn sáng, những phần ăn tưởng chừng bình thường của người Sài Gòn nhưng lại là ao ước của biết bao người ở Trại phong này: Một hộp xôi với một cái đùi gà chiên! Các dì cho biết, đối với các gia đình sống trong trại thì nhu cầu ăn uống của họ rất là đơn giản, chủ yếu là gạo để họ có thể sinh sống, thức ăn thì chủ yếu là rau. Đối với những người bệnh nặng, đủ tiêu chuẩn trợ cấp của nhà nước thì mỗi tháng cũng chỉ được hưởng 200.000 đồng (200.000 đồng thời bão giá thì thật là con số nhỏ nhoi!), còn những người không có tiêu chuẩn chủ yếu sống nhờ vào tình thương của các mạnh thường quân và đặc biệt sự chăm sóc, nuôi nấng của các dì nơi đây.

Khi bình minh ló dạng cũng là lúc chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà thờ gỗ mà vị sáng lập trại, Đức Cha Cassaigne, đã xây dựng lên từ mấy mươi năm về trước. Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay mang một sắc thái đặc biệt mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi được tham dự: kinh Mân Côi đầu lễ được thay phiên từng chục kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, Kinh Sáng Danh bằng tiếng Việt và tiếng K’Ho, Thánh Lễ với bài đọc 2, Kinh Tin Kính, Kinh Cám Ơn sau lễ bằng tiếng K’Ho.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật nói đến việc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Trong bài giảng lễ Cha chủ tế cũng nói đến đức tin, ngài nói rằng gần 50 ca viên chúng tôi đến đây “đã làm cho bầu khí phụng vụ của chúng ta trở nên ấm áp hơn, và có thể nói làm cho Thánh Lễ này thực sự đem lại rất nhiều ấn tượng cho chúng ta.

- Không những họ chia sẻ cùng một đức tin với chúng ta trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa hằng sống mà chính chúng ta cũng đang chia sẻ một đức tin mạnh mẽ của chúng ta cho họ nữa.

- Không phải họ đến với chúng ta trong tư cách của những người là ân nhân chia sẻ tình thương, chia sẻ những gì họ có cho chúng ta mà thôi, nhưng họ cũng trao ban cho chúng ta một niềm tin để chúng ta thấy rằng tất cả mọi nơi, mọi lúc, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và họ cũng trao ban đức tin đó cho chúng ta.

- Không những chúng ta đón nhận, chúng ta cũng đã và sẽ trao ban cho họ một trong những điều căn bản mà đời sống của chúng ta hằng ngày, chúng ta vẫn đang sống và làm chứng tá, chính là niềm tin mạnh mẽ của chúng ta trong đau khổ, đây có thể nói là sự nâng đỡ rất lớn, sự chia sẻ đức tin rất lớn cho chính bản thân của họ, là những người trẻ trong hoàn cảnh sống phồn hoa và có nhiều biến động hơn tất cả chúng ta.

Chúng ta ở trong khung cảnh rất đầm ấm, bình an, còn chính họ phải qua nhiều thử thách gian nan trong môi trường sống đầy sôi động cũng như thách thức khắc nghiệt. Và vì vậy khi trở về với hoàn cảnh sống của mình, chính niềm tin và sự nâng đỡ đức tin của chúng ta là những người đã trải qua rất nhiều năm tháng trong đau đớn của bệnh tật về tinh thần cũng như thể xác, sẽ là một sự nâng đỡ rất lớn đức tin của họ để chính trong những thử thách gian nan đó, chính trong những giờ phút khủng hoảng niềm tin nơi Chúa và nơi con người họ nhìn đến Thánh Lễ hôm nay, nó là một ấn tượng để chia sẻ và trao ban niềm tin đến cho họ”.

Sau Thánh Lễ, tất cả mọi người tập trung về sân chính trước khu hành chính của Trại, tất cả mọi người tham dự Thánh Lễ, từ các cụ già cho đến các trẻ nhỏ đều được tham dự một buổi ăn sáng trong huynh đệ. Các em nhỏ được tập trung thành vòng tròn và sự tận tụy của các ca viên đã mang đến cho các em một buổi ăn sáng ngon lành dưới cái nắng dịu nhẹ của vùng cao, các chị xé từng thớ thịt cho các em nhỏ, chăm chút từng li từng tí cho các em để các em có thể hoàn tất phần ăn của mình.

 

Theo các dì, đã lâu rồi mới có một cuộc quy tụ thật đông đảo như hôm nay vì thường thì các đoàn công tác xã hội lên đây vào ngày thường nên các em người đi học, người đi làm. Chính vì đông đảo thiếu nhi như vậy, khoảng 90 em, nên sau khi ăn sáng các em tham dự vào các trò chơi vận động rất hết mình, nét hớn hở vui tươi lộ rõ trên khuôn mặt của các em và theo nhận xét của các anh chị thành viên trong đoàn thì bọn trẻ đã chơi hết mình. Chẳng những trẻ con, thiếu niên mà một vài người lớn mang bệnh thiểu năng, trí tuệ kém phát triển cũng tham gia trò chơi một cách hứng thú.

Sau gần một tiếng đồng hồ vui vầy bên nhau, các trẻ em lại được cười vui thích thú vì được xem phim Tom và Jerry trên màn ảnh máy chiếu của đoàn trang bị mang theo. Trong khi trẻ con xem phim, thì một Việt kiều tên Phương và một người bạn Pháp cũng đến đây chia sẻ những phần quà cho các gia đình bệnh nhân trong trại. Thật là quý báu khi có sự chung sức tài trợ hiện vật, hiện kim của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để những gia đình bệnh nhân phong có thể có cái ăn cái mặc.

Theo lời các dì ở đây, thì dẫu cho một số người còn có thể lao động được khi cơn bệnh không còn bộc phát hay như con em họ cũng không nhiễm bệnh do đây là căn bệnh không di truyền và các dì cũng đã chăm sóc để con cái họ không bị lây nhiễm thì họ cũng chỉ có thể gieo trồng vườn tượt nhỏ để có chút ít rau để sống thôi chứ trong trại hoàn toàn không thể trồng trọt, sản xuất gì được. Bởi lẽ một điều thật đơn giản là sản phẩm của trại phong thì không có nơi tiêu thụ! Con em của các gia đình trong trại cũng đi làm thuê làm mướn khi mùa vụ thu hoạch cà phê, nhưng số tiền kiếm được cũng nhỏ nhoi do xuất thân của họ. Do hoàn cảnh như thế nên đa số quần áo, trang phục của họ đều phải dựa vào những người hảo tâm, khi thì quần áo cũ, khi thì chăn màn chiếu, khi thì đồ mới… cái nào vừa vặn thì mặc bằng không thì các dì sửa lại cho họ có cái mặc. Nhưng có một điều các dì đã lam được là hầu hết trẻ nhỏ trong trại đều lễ phép, đều được tài trợ đi học hết cấp 3 và tùy theo nguyện vọng mà các em cũng được tài trợ cho học đại học. Thành quả đạt được là đã có 02 bác sĩ là con cái bệnh nhân về phục vụ tại trại và 01 giáo viên cấp ba hiện đang dạy tại Di Linh.

Xem phim xong, các em mỗi người một phần quà ra về và 152 gia đình trong trại cũng được chúng tôi gởi đến những phần quà nghĩa tình chia sẻ. Từ ba tháng trước, ban tổ chức đã bắt đầu kêu gọi tất cả các ca viên trong các ca đoàn dành dụm, bớt chi xài để có tiền giúp các bệnh nhân cũng như ai có điều kiện thi kêu gọi quyên góp trong anh em, bè bạn.

Những ngày cuối trước chuyến đi, ngoài tiền bạc ra, từng thùng hàng, từng bao đồ cũ nhưng còn sử dụng được của anh chị em được gởi tới tấp, và chúng tôi cũng đã mua thêm cho mỗi gia đình một áo mới hay xấp vải để giúp họ có cái mặc. Gạo, mì, nuớc tương, dầu ăn, quần áo, tập vở, bút viết… những thứ tưởng chừng bình thường đối với chúng tôi ở xứ Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng lại là những thứ mà biết bao người nghèo khổ khốn cùng nói chung, các gia đình bệnh nhân phong nói riêng cần đến và trông chờ sự trợ giúp của những người con cái Chúa cũng như các vị hảo tâm muôn phương. Cái nắng chói chang của buổi trưa đã làm các ông, các bà thấm mệt vì mới nhận quà của anh Việt kiều rồi quay sang nhận quà của chúng tôi. Một người trong đoàn chúng tôi nhận xét rằng họ nhận quà cũng thật khổ sở, mệt nhọc. Đa số trong họ hoặc già cả, hoặc thương tật hoặc mất sức hay là phụ nữ nên khi nhận một bao gạo mười ký cộng một số đồ lỉnh kỉnh cũng là quá sức.

Khi thăm các bệnh nhân nặng đang nằm điều trị trong bệnh viện chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự sạch sẽ, khang trang nơi đây. Bệnh viện cho bệnh nhân phong mà còn sạch sẽ, tươm tất hơn rất nhiều bệnh viện ở Sài Gòn mà chúng tôi có dịp ghé qua. Ngạc nhiên là thế nhưng trong lòng tôi không khỏi cảm phục công sức của các dì đã tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân.

Trong giờ nghỉ ngơi chờ cơm trưa chúng tôi được trò chuyện cùng Dì Bề trên nơi đây, Sr. Mai Thị Mậu. Chỉ mới tối hôm qua thôi, dì nói với một người trong ban tổ chức chúng tôi rằng dì hơi đau chân, nhưng từ sáng đến trưa hôm nay, từ trước Thánh Lễ đến lúc trò chuyện, dì cứ thoăn thoắt chạy ngược chạy xuôi, giọng nói sang sảng, rõ ràng mạch lạc làm cho chúng tôi thật nể phục, không ai nghĩ rằng dì đã ở độ tuổi 68, ở độ tuổi mà dì có thâm niên 40 năm quản lý Trại phong này. Dì đã cho chúng tôi có dịp tìm hiểu về những phong tục của người K’Ho, trong đó đáng chú ý nhất là phong tục theo mẫu hệ, người dì hoặc người cậu rất quan trọng đối trong gia đình. Khi người vợ chết đi thì người người chồng phải trở về gia đình sinh sống, các con phải ở lại bên vợ. Người chồng muốn sinh sống bên vợ, và nuôi dưỡng con mình thì phải làm một lễ xin phép và có sự đồng ý của người dì hoặc cậu. Dì cũng kể rằng có những tục lệ bồi thường rất khắc nghiệt, nhiều tiền của, dì phải quyết liệt và giảng giải về tình thương trong Chúa Kitô họ mới bỏ những luật tục đó.

Tại trại phong, chúng tôi cũng được tiếp xúc với các nữ tu khác, các dì luôn cởi mở, thân tình trong trò chuyện và thường nhắc đến những đau đớn và khổ sở mà người bệnh và gia đình của họ phải gánh chịu. Có những nữ tu còn rất trẻ, đến nỗi một số anh trong đoàn chúng tôi phải trầm trồ: “Dì sao mà xinh đẹp thế!?!”. Con cái Chúa là thế đó, bỏ qua tất cả, tiền tài, danh vọng, nhan sắc để dấn thân phục vụ những người bị xã hội khinh khi, miệt thị khi mắc trong người căn bệnh nan y. Điều này làm tôi nhớ một câu mà một linh mục đã viết trên mạng: “Yêu chính là hy sinh, bạn có dám yêu chăng?”. Cầu xin Chúa ban cho các dì ở đây luôn yêu thương các bệnh nhân nghĩa là hy sinh tất cả để đền đáp tình yêu mà Chúa đã ban cho chính mỗi con người.

Cuộc hành trình kết thúc, nhưng đọng lại trong chúng tôi là một câu nhắc nhở của chị Hạnh trong Ban tổ chức: “Hãy chắp nối những cuộc hành trình như thế này để tạo nên cuộc đời đi tìm ‘kho báu’”.

Thay mặt ban tổ chức, qua bài viết này, tôi xin cám ơn các ân nhân đã đóng góp tiền bạc, hiện vật để anh em chúng tôi thể thực hiện hành trình đến với các bệnh nhân phong. Xin cám ơn Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Sài Gòn, Cha Sở và Quý Cha trong Giáo Xứ Xóm Chiếu luôn nâng đỡ tinh thần, khích lệ chúng con thực hiện chuyến công tác này. Xin cám ơn Ba Mẹ anh Minh đã thu xếp chỗ ở cho gần 50 người chúng tôi thật chu đáo. Xin cám ơn Cha Sở Giáo xứ Di Linh đã đến dâng Thánh Lễ và khích lệ chúng con, cũng như các Dì đã giúp sức chúng con rất nhiều để chúng con có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu, giúp đỡ gia đình các bệnh nhân và vui đùa cùng các em nhỏ.

Cầu mong sao các ca đoàn, các hội đoàn trong các giáo xứ có điều kiện cũng đến với những người nghèo khổ, bệnh tật, khốn cùng để họ được ủi an, chia sẻ cũng như chúng ta, những người con cái Chúa, thực hiện Lời Chúa dạy: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han". (Mt 25,35-36).

John Bosco Nguyễn Hoàng Thương

Mục lục

Ngày hội giáo lí tại giáo xứ Nguyệt Ðức, Bắc Ninh.

Bắc Ninh, Việt Nam (15/08/2008) - Ðúng ngày Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15.8.2008, giáo xứ Nguyệt Ðức thuộc giáo phận Bắc Ninh đã tổ chức ngày hội giáo lí với chủ đề "Thắp Sáng Niềm Tin".

Tham dự ngày hội có cha xứ Giuse Nguyễn Ðức Hiểu, quí sơ dòng Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Ðức Sài Gòn, quý vị Ban hành giáo, đại diện giáo lí viên giáo xứ Ngô Khê và 110 em thuộc lớp giáo lí sống đạo Nguyệt Ðức.

Trong ngày đại hội, các em được tham dự thánh lễ, thi đua các trò chơi sinh hoạt vui nhộn, thưởng thức các tiết mục văn nghệ vui tươi và thích nhất là được nhận các phần thưởng. Ðại hội cũng là dịp tổng kết lượng giá khóa học Giáo lí Sống đạo do các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Ðức giảng dạy. Một số em học tập rất tốt, đạt thành tích xuất sắc. Các em tham gia khóa học đều được nhận chứng chỉ giáo lí. Giáo xứ, đặc biệt là các bậc phụ huynh, hết sức vui mừng khi chứng kiến con em mình chăm chỉ học giáo lí để sống đạo tốt hơn, vững vàng hơn. Trong bài giảng lễ, cha xứ Giuse đã kêu gọi các em noi gương Mẹ Maria hằng lắng nghe, suy niệm Lời Chúa và mau mắn vâng nghe thực thi ý Chúa. Chính nhờ đời sống kết hiệp với Chúa mà Mẹ đã hoan hỉ vui mừng vì nhận ra Chúa đã thực hiện bao điều kì diệu trong đời Mẹ. Cha cũng mong các em học theo Mẹ, luôn sống thân mật với Chúa, để khám phá ra bao điều yêu thương Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mỗi em. Ðể rồi, đời sống đạo của các em sẽ là một cuộc đời tràn đầy niềm vui hạnh phúc, chan chứa tình Chúa, tình người.

Tưởng cũng nên nói đôi chút về giáo xứ Nguyệt Ðức. Giáo xứ cách Tòa giám mục Bắc Ninh 4 km về phía tây bắc có tháp chuông nhà thờ soi bóng xuống dòng Sông Cầu nước chảy lơ thơ. Mặc dù những người dân nơi đây đã đón nhận đức tin Công giáo gần 200 năm nay, nhưng Nguyệt Ðức mới chính thức trở thành giáo xứ vào ngày 20.11.2007. Giáo xứ Nguyệt Ðức có nhiều điểm đặc biệt: là giáo xứ chưa đầy một tuổi - trẻ nhất giáo phận - với khoảng 950 nhân danh; là một giáo xứ nhỏ bé nhưng giáo dân lại sinh sống ở hai bờ Sông Cầu thuộc địa bàn của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; là giáo xứ kiếm sống bằng nghề sông nước, nên chỉ có 1/3 số giáo dân có nhà ở trên đất liền, số còn lại thì nhà của họ chính là những chiếc thuyền trên sông và số giáo dân có mặt ở tại giáo xứ phụ thuộc vào con nước lên xuống. Vào mùa nước lớn, tàu thuyền khó đi lại thì khoảng 2/3 số giáo dân có mặt tại giáo xứ, nhưng vào mùa nước cạn, thì có tới 2/3 số giáo dân rời giáo xứ lên thuyền lênh đênh trên các dòng sông thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ để kiếm kế sinh nhai.

Chính do đặc điểm di dộng của giáo xứ, nên các em gặp nhiều khó khăn để đến trường học cũng như đến nhà thờ học giáo lí, Kinh Thánh. Ðây là điều trăn trở của cha xứ Giuse. Ngài cố gắng tìm mọi cách để nâng cao kiến thức đạo cũng như đời cho các em. Cha xứ nhận thấy thực trạng: các em khi lớn lên thường phải rời giáo xứ, di chuyển đi xa để làm ăn, học tập. Trong hoàn cảnh ấy, các em không còn được cộng đoàn giáo xứ nâng đỡ đức tin. Hơn nữa, ra ngoài các em sẽ tiếp xúc với những nhóm người mới, những môi trường giáo dục không thuận lợi cho đức tin, đôi khi còn nhạo báng đức tin. Trong hoàn cảnh đó, nếu các em không được giáo dục đức tin kĩ càng và không có một xác tín niềm tin cá vị sâu xa của chính bản thân với Chúa thì chắc chắn đời sống đức tin các em sẽ nhạt nhòa, nếu không muốn nói là đánh mất đức tin. Vì thế cha xứ thấy cần nhanh chóng dạy giáo lí, Kinh Thánh cho các em để nhờ biết về Chúa các em sẽ yêu mến Chúa hơn và các em có thể trả lời về niềm tin Công giáo của mình cho bất cứ ai thắc mắc như lời thánh tông đồ Phêrô đã căn dặn: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em". (1Pr 3,15).

Ngày hội giáo lí kết thúc, vị đại diện giáo xứ bày tỏ lòng biết ơn cha xứ và các nữ tu. Ông muốn mượn lời ca quan họ Bắc Ninh nói với các nữ tu "người ơi người ở đừng về". Và nếu các nữ tu không thể ở, nhất định phải về để thực thi những sứ vụ khác thì mong sao các nữ tu "đến hẹn lại lên". Những giây phút cuối cùng của ngày hội, các em chìm ngập trong ánh nến lung linh và những lời cầu nguyện: xin Chúa cho mỗi người trở nên như ngọn nến cháy dám hi sinh tan chảy ra để mang hơi ấm, ánh sáng cho đời, để thắp lên ánh sáng của niềm tin, tình yêu và hi vọng.

Ngày hội kết thúc, dừng lại, nhưng dòng Sông Cầu vẫn chảy và dòng đời vẫn trôi. Rồi đây các em sẽ theo cha mẹ lên những chiếc thuyền xuôi ngược trên bao dòng sông. Tôi thầm ước mong những chiếc thuyền ấy không chỉ chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng mà còn chuyên chở cả Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô; những chiếc thuyền ấy không chỉ đi kiếm ăn mà còn đi loan báo Tin Mừng sự sống cho tha nhân tại bất cứ dòng sông nào nó qua, ở bất cứ bến đỗ nào nó tới. Có Chúa, có Mẹ cùng đồng hành, con dân Nguyệt Ðức sẽ vững vàng vượt mọi con sóng lớn để hướng thuyền về bến cuối cùng của hành trình làm người: về bến Quê Trời như Mẹ Lên Trời hôm nay.

 

Nguyễn Xuân Trường

Mục lục

 

GIỚI HIỀN MẪU GIÁO HẠT ĐÀLẠT MỪNG LỄ BỔN MẠNG

(Giáo xứ Du Sinh - 24.8.2008)

ĐÀ LẠT - Hướng về ngày lễ Kính thánh nữ Mônica, Bổn mạng của giới Hiền mẫu, Giáo hạt Đàlạt đã tổ chức ngày truyền thống dành cho các bà mẹ trong Giáo hạt tại Giáo xứ Du sinh. Đây cũng là dịp các bà mẹ có cơ hội quy tụ bên nhau để cùng dâng lời cảm tạ Chúa, để được lắng nghe, học hỏi những điều hữu ích và nhất là để nâng đỡ nhau qua những công việc của cuộc sống thường ngày.

Đúng 9 giờ 00, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Giám mục Giáo phận, Cha Tổng Đại diện Phaolô, Cha phụ trách giới Hiền mẫu Giáo hạt đã cùng đến hiện diện trong ngày truyền thống này.

Sau lời chào mừng của cha Phụ trách An-phong Nguyễn Công Minh, ofm, một đại diện của Ban Hiền mẫu giới thiệu đến Đức Cha Phêrô và Cha Tổng Đại diện Hiền mẫu của từng Giáo xứ có mặt trong ngày hôm nay, con số ước lượng gần 700 người.

Một giờ đồng hồ trước Thánh lễ, các Hiền mẫu đã nghe Đức Cha Phêrô nói chuyện về đề tài NÊN THÁNH với vai trò là những người vợ, những người mẹ trong gia đình. Nên thánh là lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên thánh như Cha các con ở trên trời là Đấng Thánh”.

Dựa trên bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 vào sáng 20.8 vừa qua, dành cho khoảng 4000 tín hữu và khách hành hương trong buổi tiếp kiến hàng tuần tại sân nhà nghỉ mát của ngài ở Castel Gandolfo. Qua bài huấn dụ này, Đức Thánh Cha đã nhắc nhiều đến việc phải nên thánh và mỗi người tín hữu đều có thể nên thánh ngay trong sứ vụ, ơn gọi của mình. Đức Cha Phêrô gợi lên một vài công việc cụ thể cần thực hành, và hơn ai hết, các bà mẹ phải là những người tiên phong trong chính gia đình của mình, đó là:

- Năng đọc Hạnh các Thánh, vì chính qua cuộc đời của mỗi vị thánh, mỗi người sẽ nhận ra những điểm tương đồng với cuộc sống của mình, của gia đình mình. Đặc biệt, nếu bà mẹ biết tự mình đọc và đọc cho con cái nghe, sẽ giúp con mình biết hướng thiện, có những ước mơ cao đẹp, biết sống xả kỷ, quên mình vì người khác.

Cũng qua chính cuộc đời của các thánh, chúng ta sẽ được nhắc nhớ và được hun đúc lòng yêu mến Chúa, yêu mến Đức Mẹ, yêu mến Giáo hội, yêu mến những người thấp kém, nghèo khổ sống chung quanh mình...

- Cầu nguyện cùng các thánh để biết sống như các ngài trong từng hoàn cảnh cụ thể, trong từng biến cố, trong những khó khăn thử thách mà chúng ta gặp phải mỗi ngày, nhất là trong đời sống gia đình.

Nền tảng cốt lõi của việc nên thánh được Đức Cha Phêrô nói rõ: “Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được trở nên con cái của Thiên Chúa, được mang lấy chính sự sống của Thiên Chúa, được là những người em của Trưởng Tử Giêsu, và đương nhiên, trở thành anh chị em của nhau. Cũng chính trong Bí tích Rửa tội, mỗi người đã được xức dầu, được thánh hiến để được sai đi trong sứ mạng của mình và nhất là được mời gọi để nên thánh”.

Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha: “Hãy nhớ rằng ngoài những Vị Thánh được mừng kính mỗi ngày, còn có vô vàn Vị Thánh mà tên tuổi chỉ có Thiên Chúa biết...”, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cho thấy: “Thế thì tại sao tôi không phải là một trong số vô vàn này !? Vì, tôi nhắc lại và chúng ta phải xác tín điều này, sự thánh thiện và ơn gọi nên thánh không dành riêng cho một ai, nhưng là dành cho mọi người đã được gọi làm con cái Chúa”.


Với kết luận của Đức Thánh Cha trong Đại hội quốc tế về gia đình lần thứ V ở Tây Ban Nha: “Khi một đứa trẻ chào đời, qua mối tương quan với cha mẹ, nó bắt đầu trở nên thành phần của một truyền thống gia đình với cội rễ lâu đời. Do đó, cha mẹ có quyền lợi và bổn phận không thể chuyển nhượng quyền dạy dỗ con cái”.


Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn khẳng định: “Chúng ta không được quên, con cái sẽ được thừa hưởng tất cả những truyền thống tốt đẹp của gia đình mình qua cha mẹ. Đứa trẻ lãnh nhận từ cha mẹ không những là hồng ân sự sống, mà còn cả một gia sản và nhiều kinh nghiệm. Những lời kinh, những câu chuyện về các thánh, những việc làm đạo đức sẽ có ảnh hưởng sâu đậm trong cả cuộc đời của mỗi đứa con. Nếu cha, và đặc biệt người mẹ, không làm những việc đó cho con cái của mình thì ai sẽ làm ???”


Kết thúc giờ chia sẻ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nói: “Lời cuối của tôi là các bà mẹ hãy hiểu vai trò của mình, ơn gọi của người mẹ rất cao cả và lớn lao, ơn gọi nên thánh, ơn gọi truyền sinh, ơn gọi yêu thương, ơn gọi giáo dục, ơn gọi giữ cho được truyền thống của gia đình... Đó là những đặc quyền của cha mẹ, nhưng trên hết là nơi người mẹ. Hãy cầu nguyện để chúng ta thực hiện được sứ mạng của mình. Xin Đức Maria là Người Mẹ mẫu mực luôn cầu bầu và nâng đỡ chúng ta”.


Tiếp đó là Thánh lễ trọng thể do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự cùng 09 Linh mục đồng tế tại Nhà thờ Giáo xứ Du sinh.


Ngay trong lời đầu lễ, Đức Cha mời gọi các bà mẹ hãy luôn hướng về Thiên Chúa, vì Người luôn bên cạnh, luôn thấu hiểu những tâm tư của con người, đặc biệt là của những người mẹ. Hãy chạy đến cùng Đức Maria, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là một mẫu gương tuyệt vời cho các bà mẹ. Hãy học cùng thánh nữ Mônica để biết liên lỉ cầu nguyện, kiên nhẫn và yêu thương trong đời sống gia đình.


Với bài Tin mừng được đọc trong ngày lễ, Đức Cha gợi lên khuôn mặt dịu hiền và trái tim luôn rộng mở của Chúa Giêsu, qua câu chuyện Ngài làm phép lạ cho con trai bà góa thành Naim được sống lại. Bên cạnh đó, nhìn vào cuộc đời Thánh Nữ Mônica, một cuộc đời luôn đắm chìm trong những lời cầu nguyện và nước mắt, nhưng cũng luôn hy vọng và tin tưởng. Đức Cha Phêrô chia sẻ về ba đối tượng cụ thể trong cuộc đời Thánh nữ: Người chồng -Patriciô; Bà mẹ chồng và người con Augustinô để nhắc các bà mẹ:

1. Kiên nhẫn, khiêm tốn, tin tưởng, không vội vả loại bỏ hay kết án, mà hãy khám phá những điều tốt đẹp -bên cạnh những điều xấu, nếu có- nơi người bạn đời của mình.

2. Biết chịu đựng và đối xử cách hiền hòa sẽ chinh phục được sự khắc nghiệt và khó tánh nơi người khác.
3. Kiên trì cầu nguyện và yêu thương không biết mệt mõi sẽ hoán cải được con mình.


Đức Cha cũng không quên nhắc nhở các người mẹ: “Trước khi nên thánh ở một môi trường nào khác thì các bà được gọi nên thánh ngay trong chính gia đình, trong chính sứ mạng làm vợ và làm mẹ... Ngày hôm nay là hồng ân Chúa ban cho chúng ta, để các bà có thể cảm nghiệm được Chúa luôn gần kề, thông hiểu, an ủi và ban ơn giúp sức cho các bà”.


Cuối Thánh lễ, Đại diện các hiền mẫu đã cám ơn Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, Cha phụ trách và quý Cha hiện diện. Với những bông hoa tươi thắm, vị đại diện nói: “chúng con luôn yêu mến và cầu nguyện cho Đức Cha, vì dù rất nhiều công việc, nhưng chúng con vẫn luôn được Đức Cha quan tâm chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ. Chúng con sẽ thực hiện những gì Chúa muốn chúng con sống qua lời dạy của Đức Cha, để từ chính gia đình hạnh phúc, chúng con góp phần làm cho Giáo xứ, Giáo phận và Giáo hội cũng luôn được hạnh phúc, hiệp nhất và yêu thương...”


Đáp lời, Đức Cha nói: “Dù là Giám mục, tôi cũng là một người con, xin thay mặt các cha đồng tế và hết mọi người cám ơn các bà mẹ. Chúng tôi được sinh ra, được dạy dỗ, được nuôi nấng, được làm con Chúa, làm con của Hội thánh trong cùng một quê hương... những điều đó chúng tôi được thừa hưởng do tình thương và sự giáo dục của người mẹ. Bên cạnh đó, tôi cũng xin các bà mẹ luôn sống đúng với tên gọi không phải do các bà tự đặt cho mình, nhưng là bản chất ơn gọi của người mẹ, đó là danh xưng “hiền mẫu”, đây cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường...”. Cầu chúc cho các bà qua những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt những khó khăn trong gia đình, các bà luôn đủ ơn để sống đúng vai trò hiền mẫu, là những bà mẹ đầy tình yêu thương”.


Sau giờ ăn trưa đơn sơ, các bà mẹ lại tham dự buổi văn nghệ do chính các bà hoặc những người con trong các giáo xứ, Giáo sở trình diễn. Tuy không thật sắc sảo, nhưng đã nói lên được tình cảm của mọi người dành cho các bà mẹ, vì: không ai không có một người mẹ.


Ngày vui khép lại, xin cám ơn Cha Sở và cộng đoàn Giáo xứ Du sinh, xin cám ơn mọi nỗ lực của nhiều người, và trên hết, xin cám ơn Chúa đã ban hồng ân này cho Giáo Hạt Đàlạt, để qua những người mẹ, đời sống gia đình sẽ luôn có Chúa hiện diện, cuộc đời mỗi người sẽ luôn đầy ắp tin yêu.

Tứ Linh

Mục lục

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI NHÀ THỜ CHÁNH TÒA ĐÀLẠT

 

9 giờ 30 sáng ngày thứ bảy, 23.8.2008, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giáo phận Đàlạt, đã đến nhà thờ Chánh Tòa Đàlạt dâng Thánh lễ và cử hành nghi thức Truyền chức Linh mục cho 8 tiến chức thuộc Tu Hội Truyền giáo Thánh Vinh-sơn. Trên 100 Linh mục triều và dòng từ nhiều nơi về đồng tế với Đức Cha. Rất đông tu sĩ, chủng sinh, bà con thân nhân và giáo dân cùng hiện diện trong Thánh lễ trọng thể này.                            

Cũng như những dịp lễ khác trước đây, Giáo xứ Chánh tòa đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để Thánh lễ được trang trọng, sốt sắng và diễn tả được niềm vui khi trên cánh đồng truyền giáo, được Chúa sai đến những thợ gặt mới.

Hơn 1/2 thế kỷ, Tu hội Truyền giáo thánh Vinh-sơn hiện diện trong lòng Giáo phận Đàlạt một cách đơn sơ nhưng đầy sức sống, với sự quảng đại và sứ mạng loan truyền ơn cứu độ đến với mọi người, đặc biệt những người nghèo khó, thấp hèn, Tu hội đã góp phần rất lớn trong công cuộc truyền giáo tại Giáo phận thân yêu này.

Dứt bài Tin Mừng, bắt đầu việc phong chức : thầy phó tế giúp lễ nói lời kêu mời và xướng danh các tiến chức : “Xin mời các thầy sắp thụ phong linh mục tiến lên : Thầy Vinhsơn Ferrê Mai Hoài Thương, Thầy Giuse Nguyễn Công Hồng Phú, Thầy Antôn Pađôva Nguyễn Anh Tuấn, Thầy Giuse Vũ Quốc Hưng, Thầy Phaolô Nguyễn Hữu Toan, Thầy Phêrô Lê Văn Hùng, Thầy Đaminh Phạm Đăng Khoa, Thầy Gioakim Lê Văn Chiến”.

Cha Bề trên miền đã thỉnh cầu Giám mục phong chức : “Kính thưa Cha, Hội Thánh là Mẹ chúng ta xin Cha phong chức Linh Mục cho những anh em này !”  và chứng nhận : “Sau khi đã tham khảo ý kiến giáo dân và theo ý những người hữu trách biểu quyết, con chứng nhận những người này được coi là xứng đáng”. Đức cha Phêrô đã quyết định : “Nhờ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ Đức Giêsu-Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, chúng tôi tuyển chọn (các) anh em chúng ta đây lên chức Linh Mục”. Cộng đoàn hân hoan dâng lời “Tạ ơn Chúa” để tán đồng việc tuyển chọn.

Rồi trong bài giảng lễ, ngoài việc mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các Tiến chức và mời gọi hàng Linh mục nhớ lại hồng ân cao quý mình đã lãnh nhận, Đức Cha Phêrô đã có những lời chia sẻ, những tâm sự dành riêng cho 8 Phó tế chuẩn bị lãnh nhận Thừa tác vụ Linh mục. Rất cụ thể và đơn sơ, ngài nói :

“Chúng con thân mến,

Cha nghĩ rằng không gì tốt hơn là với ba bài Kinh thánh vừa nghe, chúng ta dừng lại ở một vài điểm then chốt, hữu ích cho chúng con.

Trước hết hãy khởi đi từ bài Phúc âm trích thánh Luca (Lc 5,1-11) – bài này được Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn làm chủ đề cho tông thư Khởi đầu ngàn năm mới vào dịp kết thúc Đại Năm Thánh 2000 (06/01/2001), với ý hướng rõ ràng về truyền giáo –, cha chọn bài Phúc âm này vì anh em là thành viên Tu hội Truyền giáo. Nói cách khác, bài Phúc âm này gần như là để dành riêng cho chúng con. Chúng ta thấy lúc này Chúa Giêsu đang đi rao giảng ở hồ Giênêzarét, dân chúng kéo đến nghe thật đông, Ngài mượn thuyền của Phêrô để có thể giảng... sau đó, Ngài ra lệnh cho các tông đồ ra vũng sâu để thả lưới bắt cá. Các ông trình với Chúa : chúng con đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì. Nhưng vâng lời Thầy chúng con thả lưới. Các ông bắt được nhiều cá, Phêrô cảm thấy lo sợ vì đây chính là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu ôn tồn bảo : Từ nay anh em sẽ là những người đi lưới người.

Một đoạn Tin mừng rất hay và rõ ràng về sứ mạng của Chúa Giêsu và của Hội Thánh là chúng ta. Mỗi người đều được gọi vào cánh đồng truyền giáo và tùy hoàn cảnh, Chúa trao cho mỗi người một nhiệm vụ. Còn chúng con, Chúa bảo hãy ra chỗ “nước sâu”, đừng quên rằng cứ 100 người Việt Nam thì chỉ có 7 người biết Chúa ! Chúng con ghi nhớ mình được gọi để thả lưới, nhưng phải thả ở “vùng nước sâu”, nơi khó khăn, nơi đòi hỏi nhiều hy sinh, chúng con sẽ đáp lại: “vâng lời Thầy, chúng con ra đi”. Cha nghĩ đó là ý tưởng rất tốt đẹp của ngày hôm nay.

Nhưng rồi có những lúc chúng con sẽ thấy lý tưởng của mình như bị lu mờ, phải đối diện với thực tế của một vùng truyền giáo nhiều vấn đề, thấy mệt nhọc, chán nản, thất vọng... Rồi lại như Môisê trong Bài trích sách Dân Số : “Sao Ngài làm khổ tôi tớ Ngài ? Sao tôi lại không được nghĩa trước mặt Ngài khi Ngài đặt trên tôi gánh nặng là tất cả dân này ? Phải chăng tôi đã cưu mang tất cả dân này ? Phải chăng tôi đã sinh ra chúng, để Ngài phải bảo tôi : Hãy bồng lấy nó vào lòng ngươi, như vú nuôi bồng con đỏ...” (Ds 11,11-12.14-17.24-25a). Hãy nhớ rằng Chúa luôn bên cạnh để nâng đỡ và an ủi chúng con, như đối với Môisê, Ngài sẽ nói : “Hãy chọn 70 người trong hàng kỳ mục của Israel... và chúng sẽ gánh vác với ngươi gánh nặng là dân này, và ngươi sẽ không còn phải gánh lấy một mình”. Và rồi : “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và phán bảo ông, Ngài rút Thần Khí có nơi ông mà đặt trên bảy mươi vị kỳ mục. Mà thoạt khi Thần Khí đến trên họ, họ liền nói tiên tri...”.

Có nhiều thành phần trong Hội Thánh, nhiều người có tài năng, thiện chí và Chúa đã ban cho chúng ta. Ở Việt Nam, số linh mục triều và dòng rất đông và còn hàng chục ngàn tu sĩ, đó là những cánh tay nối dài, những “bô lão”, ngoài ra còn có nhiều hội đoàn giáo dân. Do vậy khi gặp khó khăn hãy đến với Chúa, cầu nguyện và lấy lời của Chúa để chúng ta sống, bấy giờ Thần Trí của Chúa được ban cho chúng ta.

Tại sao lúc khởi đầu chúng ta thường hăng hái rồi sau đó mệt nhọc, chán nản ? Kinh nghiệm của thánh Phaolô nói với chúng ta trong thư gửi tín hữu Côrintô : “Chúng tôi không rao giảng về mình, song là Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng tôi” (2Cr 4,1-2.5-7). Đây là hai thái độ, hai nếp sống. Những ai tìm vinh quang, tìm địa vị cho mình thì luôn chán nản, thất vọng, không bao giờ thỏa mãn. Còn ai biết tìm vinh quang của Chúa, sẽ luôn cảm thấy hăng hái, nhiệt tình. Cho nên anh em nhớ trong mọi việc, ngay cả khi xây dựng nhà thờ, tổ chức tĩnh tâm, tổ chức hành hương... coi chừng nhiều khi những việc làm đó che đậy một hình thức rao giảng về chính mình mà không rao giảng về Đức Kitô, Chúa chúng ta. Hãy nhớ rằng : “Chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em, trong Đức Kitô”. Nếu một linh mục, cách riêng các cha mới chịu chức, luôn tâm niệm “tôi là đầy tớ của anh em”, thì sẽ không bao giờ cô đơn, không bao giờ thất bại vì người tôi tớ phục vụ là người yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân và quên đi chính mình.

Hôm nay, cha chia sẻ với chúng con trong tư cách là thành viên Tu Hội Truyền giáo Vinh sơn, là những người được gọi, là những người được sai đi truyền giáo cho người nghèo, người tội lỗi. Chúng con hãy luôn trở lại với 3 bài Kinh thánh này, như một sự quan phòng, một dấu ấn đặc biệt, một điều tốt đẹp Chúa gửi cho chúng con trong ngày được thụ phong. Dĩ nhiên chúng tôi cũng phải tiếp tục suy niệm và sống, để hàng linh mục của Giáo Hội ngày càng trở nên những tông đồ mẫu mực như Chúa Giêsu mong ước.

Tiếp đến, các tiến chức được thẩm vấn về những lời hứa liên hệ tới chức linh mục, đặc biệt không ngừng chu toàn nhiệm vụ tư tế ở bậc Linh Mục như một cộng-sự-viên tốt của Hàng Giám Mục trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” ; “chu toàn một cách xứng đáng và khôn ngoan thừa tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin công giáo” ; “cử hành một cách đạo đức và trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa dân kitô-hữu theo truyền thống của Hội Thánh, nhất là trong hy tế Tạ Ơn và bí tích Hòa Giải” ; “không ngừng dựa vào lệnh Chúa truyền phải cầu nguyện mà nài xin lòng thương xót của Chúa cho đoàn dân đã được trao phó”“ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô Thượng Tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người”. Các tiến chức cũng “hứa kính trọng và vâng phục Giám mục giáo phận cùng Bề trên hợp pháp”.

Nghi lễ tiếp tục với việc cộng đoàn hiệp cùng các thánh trong Kinh Cầu để“khẩn cầu Thiên Chúa là Cha toàn năng, gia tăng ơn thiêng trên các tôi tớ Chúa đây, là những người Chúa đã chọn lên chức Linh Mục”.

Các tiến chức được Giám mục đặt tay và linh mục đoàn cùng đặt tay như dấu hiệu đón nhận vào linh-mục-đoàn. Và Đức cha đọc lời nguyện phong chức để ơn Chúa Thánh Thần được ban xuống trên các ứng viên để giúp họ thi hành nhiệm vụ Linh Mục với những lời chính yếu : “Lạy Cha toàn năng, chúng con nài xin Cha ban chức Linh Mục cho các tôi tớ Cha đây. Xin Cha đổi mới Thần Trí thánh hóa trong lòng các thầy, cho các thầy biết chu toàn chức vụ nhị phẩm nhận được từ nơi Cha, và cho các thầy biết cải thiện phong hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình”.

Các Tân chức được mặc áo lễ, được xức dầu thánh hiến đôi tay biểu thị sự tham dự đặc biệt của linh mục và chức Tư Tế của Đức Kitô: “Xin Chúa Giêsu-Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng Thánh Thần và sức mạnh gìn giữ con, để con thánh hóa dân Kitô-giáo và hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa” ; được trao chén thánh chỉ ra nhiệm vụ chủ sự cử hành Thánh Thể và theo Đức Kitô chịu đóng đinh : “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa”.

Cuối cùng, Đức cha và đại diện linh-mục-đoàn trao hôn bình an cho các Tân chức.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể. Vào cuối Thánh lễ, sau phép lành trên các Tân chức và dân chúng, cả cộng đoàn cùng sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Thánh Phaolô để lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Phaolô.

Cha Bề trên Miền của Tu hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn đã có lời cám ơn Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, Quý Cha và cộng đoàn hiện diện. Đặc biệt với gia đình, thân nhân của các Tân Linh mục : “Tu hội xin tri ân quý thân nhân và gia đình, đã quảng đại dâng cho Giáo Hội, cách riêng cho Tu hội, những người con yêu quý của mình, để làm việc trong cánh đồng truyền giáo của Hội thánh. Xin Chúa chúc lành cho những đóng góp cao quý này”.

Đại diện giáo dân cũng đã có lời chúc mừng các Tân linh mục trong tâm tình hân hoan và đầy yêu thương, những bó hoa tươi như những lời chúc tốt đẹp nhất được trao tặng và cũng là lời nguyện chúc cho các Cha Mới trong sứ vụ vừa lãnh nhận.

Trước khi ban Phép lành đầu tay của các Tân Linh mục, Cha Mới Giuse Vũ Quốc Hưng đã ngỏ lời cám ơn Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, Quý Cha Bề trên, quý Cha, các tu sĩ nam nữ, gia đình, thân nhân bạn hữu và mọi người : “Chúng con nhận được biết bao tình cảm yêu thương của Đức Cha và cả Giáo phận... xin cầu nguyện để trong hành trình mới, chúng con luôn nhiệt thành và tràn đầy lòng yêu mến Chúa, Giáo hội và các linh hồn, đặc biệt qua việc sống dấn thân theo đúng Linh đạo của Tu hội”.

Niềm vui, sự hân hoan này chắc chắn sẽ còn kéo dài, xin đón nhận và tạ ơn Chúa để mỗi người tiếp tục sống ơn gọi của mình cách tốt đẹp nhất. Dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù thuận lợi hay khó khăn, thì chúng con xác tín rằng Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con.

Theo www.simonhoadalat.com

Mục lục

 

Các tu sĩ Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam hành hương về Đất Tổ

Huế - Trong 3 ngày 19, 20 và 21-8 vừa qua, Đức Viện phụ Đôminicô Phạm Văn Hiền, Viện phụ Hội trưởng Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, đã dẫn đầu phái đoàn gồm 200 linh mục và tu sĩ nam nữ dòng Xitô đến thăm Tổng Giáo phận Huế, viếng Thánh Địa La Vang, Giáo xứ Thừa Lưu, Phước Sơn, Quảng Trị, Tiểu Chủng viện An Ninh, Đan viện Thiên An và một số dòng tu ở Huế, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Dòng và 75 năm ngày giỗ tổ Đấng Sáng lập dòng.

Cuộc hành hương về Đất Tổ đánh dấu bằng Thánh lễ Tạ ơn tại Nguyện đường La Vang với sự chủ tế của Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, 30 linh mục, trên 200 tu sĩ và khách hành hương cùng tham dự.

Vui mừng trước sự hiện diện của các tu sĩ Dòng Xitô, Đức Tổng Stêphanô Thể nói rằng đây là cuộc hành hương rất thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Ngài nói: “Lâu lắm rồi mới có được cuộc hội tụ của Dòng Xitô. Trải qua biết bao gian nan thử thách, với sự quan phòng cách kỳ diệu của Thiên Chúa, hạt giống đức tin đã phát triển nhiều nơi. Ước nguyện của tôi là làm sao có sự hiện diện của Dòng Xitô trong Giáo phận để hương vị thiêng liêng, tinh thần chiêm niệm cầu nguyện toả lan, hỗ trợ cho công việc truyền giáo bằng chính đời sống cầu nguyện và hy sinh”.

Cụ Trần Văn Gioang, 80 tuổi, cựu đệ tử Dòng Xitô, kể lại: “Đời sống đan tu ở Phước Sơn ngày xưa rất nghiêm ngặt, đánh tội và ăn uống kham khổ, nhưng tinh thần tu trì rất mãnh liệt. Năm 1945, nhà dòng giải tán vì chiến tranh, tôi trở về quê, còn các cha và các thầy di tản vào miền Nam”.

Thầy Phanxicô Trần Văn Loan, 82 tuổi, nói: “Hội dòng Phước Sơn khai sinh trong thử thách, trưởng thành trong đau khổ và phát triển với biết bao khó khăn. Anh em chúng tôi cố gắng trung thành bảo tồn và phát huy linh đạo của dòng”.

Thầy Martino Ngô Văn Thành, ở Phước Lộc, chia sẻ rằng hành trình về Đất Tổ đã cho thầy hiểu biết, yêu mến Đấng Sáng lập hơn và biết ơn các vị tiền bối dày công xây dựng Hội Dòng cho thế hệ trẻ được thừa hưởng.

Nữ tu Gioana Phạm Thị Ghi Tạc nói đây là lần đầu tiên chị được đến La Vang. Chị cảm nhận được tình hiệp thông rộng lớn và sâu xa giữa các thành viên trong Hội Dòng và Tổng Giáo phận Huế. Chị cho biết chị tâm đắc 3 điều mà Đức Tổng Stêphanô Thể đã lưu ý nhắc nhở: những đe doạ của đời sống tầm thường, trưởng giả hoá dần dần và tinh thần hưởng thụ của xã hội trong đời sống đan tu.

Dòng Xitô được thành lập năm 1098, với ý hướng sống đời đan tu một cách triệt để, trở về những nét tinh tuyền của tu luật Biển Đức. Sau công cuộc cải tổ tôn giáo (Kitô giáo) và cải tổ các dòng tu (bắt đầu từ thế kỷ XVII) diễn ta trong một thời gian dài, vào năm 1892, Dòng Xitô tách biệt hoàn toàn thành 2 nhánh: “Nhặt phép”: những đan viện còn giữ đời sống thuần chiêm niệm; và “Chung phép”: gồm các đan viện khác.

Cộng đoàn tổ của Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam là Dòng Đức Bà Annam (hay còn gọi là Dòng Phước Sơn) do Cha Henri Denis (Benoit Thuận) sáng lập ngày 15-8-1918 tại núi Phước, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế, nên có tên gọi là Phước Sơn. Dòng Phước Sơn đã sử dụng Hiếp pháp của Dòng Xitô “Nhặt phép”, sửa đổi một số điều khoản cho phù hợp với hoàn cảnh và văn hoá Việt Nam, đề cao đời sống Thánh Gia, nên đổi tên thành Dòng Xitô Thánh Gia. Về sau, Dòng sát nhập vào Dòng Xitô “Chung phép” thế giới theo Sắc chỉ của Thánh Bộ Tu sĩ ngày 24-5-1934.

Theo gương Thánh Gia Thất, Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam thánh hoá đời sống âm thầm trong cầu nguyện, hy sinh và lao động, hầu góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn. Mỗi đan viện đều có nhà khách để tiếp đón những người đến tĩnh tâm và cầu nguyện.

Theo Đức Viện phụ Đominicô Phạm Văn Hiền, hiện nay Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam có 800 tu sĩ trong 11 cộng đoàn ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, và tại 2 quốc gia Mỹ và Thuỵ Sĩ.

Nt. Nguyễn Thị Luyến

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU &SỐNG ĐẠO

THẬP GIÁ

 Nếu đi tìm một Giêsu không thập giá thì sẽ gặp toàn thập giá mà không thấy Giêsu. Vì nói đến thập giá là nói đến Chúa Giêsu. Nói đến Chúa Giêsu là nói đến thập giá. Thập giá gắn liền với đời Ngài, cuộc đời biểu lộ tình yêu bằng Thập giá. Và đàng sau thập giá là hình bóng của vinh quang. Vâng, “dầu là Con Thiên Chúa, Người cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi bản thân đã đạt tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 8-9).

Câu truyện đời thường

Trong chuyến hành hương, Thầy bề trên trao cho đệ tử mỗi người một cây thập giá loại nhẹ, đẹp, ngắn và phù hợp với sức khoẻ. Phần thầy, dĩ nhiên là thập giá sần sùi, xấu nhất, dài nhất và nặng nhất.

Cuối đoạn đường, thầy trò phải băng ngang một con sông để hưởng vinh quang, và phương tiện, cây cầu chính là thập giá.

Người thứ nhất, dọc đường đã khôn ngoan cưa thập giá ngắn lại cho nhẹ, nên bị hụt không qua sông được.

Người thứ hai, suốt chuyến đi luôn miệng kêu ca, than phiền, oán trách, càm ràm vì thầy không công bằng, không quan tâm, không lo lắng để mình phải chịu thiệt thòi hơn mọi người. Vì thế, không còn đủ sức đặt thập giá làm cầu ngang sông nữa, đành phải ở bên này.

Người thứ ba thì luôn vui tươi, hân hoan, tự tin, và vác thập giá một cách nhẹ nhàng trong suốt chuyến đi. Bởi họ yêu mến, tin tưởng và hy vọng vào Chúa Giêsu. Họ được vào hưởng vinh quang đã dọn sẵn cho họ.

Câu truyện Lời Chúa

Chúa Giêsu cho ta biết ai muốn hưởng phúc lộc quê trời, người ấy phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Nếu ai muốn có được sự sống đời đời, thì phải từ bỏ bản thân và mọi quyến luyến đời này. Nếu không muốn liều mất mạng sống mình vì nước trời thì người ấy sẽ bị huỷ diệt. Bởi được cả thế giới mà mất mạng sống thì ích lợi gì.

Vác thập giá mình, chứ không phải là thập giá của người khác, Ngài nói rất rõ.

Câu truyện của chúng ta

Chiếc cầu thập giá, cũng là chìa khoá mở vào cõi phúc khi cùng Thầy Giêsu đi vào vào con đường hẹp. Quả thực, con người phải đối diện và luôn gặp thập giá trong đời và suốt đời. Dù muốn hay không, chấp nhận hay phủ không, thập giá vẫn có. Nhưng có được hưởng phúc lộc ngàn thu hay không, tuỳ vào thái độ của mỗi người thế nào trước thập giá.

Ba đệ tử trong câu truyện là ba hình thức hành đạo của nhiều người.

Loại có đạo. Đây là loại người thứ nhất, khôn ngoan cưa bớt cây thập giá. Nghĩa là cũng gia nhập Giáo hội, rồi sau đó xa rời Giáo hội. Họ không biết đến đường lối của Chúa, giáo huấn hay giáo lý cũng chẳng màng. Có đến nhà thờ thì cũng chỉ vài dịp quan trọng để lãnh bí tích rửa tội, bí tích hôn phối, và nghi thức an táng.

Loại người này, cả cuộc đời sống dưới mặt trời mà chẳng biết mặt trời. Sống trong ánh sáng mà chẳng biết ánh sáng. Sống trong chân lý mà chẳng biết chân lý. Sống trong thế giới sự thật mà không biết sự thật. Sống trong bầu trời tình yêu và ân sủng mà chẳng hưởng được ân sủng và tình yêu.

Con người tưởng tách mình ra khỏi Thiên Chúa để chứng tỏ bản lãnh khi chinh phục Ngài và không chịu khuất phục thiên nhiên thì cho là mình hay, mình giỏi, mình khôn ngoan. Thực sự đó chỉ là khờ dại. Bởi chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. Chẳng có gì tốt lành nếu không bởi ơn trên.

Loại giữ đạo. Đây là loại người thứ hai. Đạo nghĩa, họ chỉ giữ một số những luật buộc về ngày Chúa nhật, giữ chay, xưng tội rước lễ năm một lần. Họ làm vậy cốt để Thiên Chúa không thể bắt lỗi hay phạt gì được. Họ làm không bởi kính yêu, mà chỉ vì sợ phạt mà làm. Đời họ giống như những cây trồng, mà chủ không hy vọng có ngày hái quả.

Nói khác đi, họ đi tìm một cuộc sống dễ dãi, thoải mái, lý tưởng chứ không hề muốn gặp phải bất cứ một gian nan thử thách nào. Họ muốn được nước trời nhưng không muốn rớt mồ hôi. Họ đi tìm một Giêsu không thập giá, nên họ gặp toàn thập giá.

Họ luôn kêu ca than phiền, oán giận, đổ trách nhiệm cho Chúa, cho Giáo hội và xã hội. Vì thế nọ, tại thế kia mà họ phải chịu mọi đắng cay. Nào là không được như những người hàng xóm, bạn bè; nào là không bằng anh bằng em, không hưởng được vinh hoa phú quý giống như nhiều người.

Đời họ là một bản trường ca về than. Họ luôn tấu lên khúc nhạc bi ai, oán giận. Cuộc sống họ luôn biểu lộ cảnh sầu thảm, nước mắt. Đời họ luôn gặp đau khổ, gian nan và bất hạnh; luôn gặp rủi ro và bất trắc. Ôi, đời họ sao thật tăm tối, luôn thấy màu tím của u buồn, màu đen của thất vọng, màu đỏ của chết chóc. Còn màu xanh của hy vọng, màu đỏ của hy sinh, màu trắng của thanh khiết, màu vàng của vinh quang thì biến sạch. Đời họ dường như chỉ sống để mà sống. Chứ sống chẳng có ý nghĩa gì.

Loại sống đạo. Đây là loại người thứ ba. Họ không cam chịu, không chấp nhận, nhưng là vui lòng đón nhận thập giá Chúa Giêsu. Họ giống như ông Gióp, nghĩa là hài lòng đón nhận mọi ân sủng từ Thiên Chúa, thì cũng vui lòng nhận mọi thử thách gởi đến. Và với họ, cuộc đời luôn là những cơ hội.

. Cơ hội để tạ ơn. Tạ ơn nhiều lắm: nào là là thời gian, sức khoẻ, trí khôn, tiền bạc. Nào là người thân, anh em, con cháu, họ hàng. Nào là được sinh ra và lớn lên. Nào là được gia nhập vào đạo Chúa. Nào là được sống trong cộng đoàn đức tin của Giáo hội. Nào là được nhận biết Chúa qua giáo lý, qua thánh kinh, qua bí tích…

. Cơ hội để dấn thân. Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Dấn thân phục vụ Tin Mừng qua ơn gọi tận hiến hay qua ơn gọi giáo dân để giới thiệu Chúa cho mọi người. Đây là cách đền ơn trả nghĩa đẹp lòng Chúa khi nói cho người khác biết về ân phúc mình nhận được từ Ngài.

. Cơ hội để chiến đấu. Thiên Chúa hoàn hảo và tinh tuyền. Vì thế, con người luôn phải vượt qua chính mình với mọi thứ cám dỗ để không làm ố danh Chúa, xấu danh Người. Hoặc cố tình hay vô ý để cho ma quỷ thừa cơ lợi dụng khiến ta làm nhiều điều tội lỗi xúc phạm đến Chúa. Khiến sự thật xa rời ta và ân sủng Chúa không có chỗ, không còn dịp sinh hoa kết trái trong tâm hồn.

. Cơ hội để sống đức tin. “Tin trong lòng thì được công chính, nhưng xưng ra ngoài miệng mới được cứu độ” (Rm 10,10). Với họ, sống là dịp chứng minh đức tin vào Chúa khi nói lời hay lẽ phải, lời an ủi động viên để nâng đỡ người khác vượt qua khó khăn và trung thành với Ngài. Với họ, sống và hành động bác ái chính là niềm vui, nguồn hạnh phúc.

. Cơ hội để trung thành. Như ông Gióp, họ cũng đón nhận mọi thử thách gởi đến, và coi đó là dịp để thanh luyện, phấn đấu và vượt khó. Lửa thử vàng, gian nan thử đức mà. Vì thế, đau khổ, bệnh tật, thất bại, cám dỗ, hiểu lầm…không làm gì được họ. “Họ không bị quật ngã. Chẳng ai có thể tách họ ra khỏi tình yêu Chúa Kitô được. Dù đó là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8,35).

. Cơ hội để báo hiếu. Đó là dành cho Chúa phần tốt nhất. Tốt nhất và nhiều nhất về thời gian dành cho Chúa. Tốt nhất và xứng đáng nhất về nơi thờ kính và cách thức thờ phượng. Tốt nhất và đẹp nhất về trang phục, về tư cách khi tham gia phụng tự. Tốt nhất về lòng kiên trì nhẫn nại để phục vụ trong yêu thương và hy sinh trong tình mến vì Giáo hội.

Cuộc đời họ luôn biểu lộ bình an, hạnh phúc và thanh thản. Bởi họ luôn tin tưởng, phó thác, cậy trông và hy vọng được đón nhận vinh quang cùng với Chúa Giêsu trong nuớc Ngài.

Không ai làm thay ai được. Như ăn uống, không có chuyện uống thay hay ăn thay, mà chính mình phải ăn. Muốn được Nước Trời, chính mình cũng phải đổi bằng mồ hôi, là vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.

Thanh Thanh

Mục lục

LÁI XE AN TOÀN: MỘT ĐÒI HỎI CỦA ĐẠO ĐỨC

Đọc báo hằng ngày, hầu như lúc nào tôi cũng thấy đăng một vài tin về tai nạn giao thông. Thường thường đó là những tai nạn thảm khốc hoặc chứa đựng những chi tiết hi hữu, còn vô số tai nạn xảy ra hằng ngày trên đất nuớc thì làm sao đưa tin cho xuể? Đàng sau một mẩu tin có khi rất vắn là cả một bi kịch cho cá nhân hay những cá nhân và gia đình họ. Lấy một trường hợp bất kỳ tôi mới đọc trên báo Tuổi Trẻ ngày 22-8-2008 làm thí dụ: một học sinh lớp 12 ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lái xe máy lấn đường đâm thẳng vào xe một đôi uyên ương sắp cưới khiến họ bị thương rất nặng, và không những đám cưới của họ bị hoãn lại vô thời hạn mà còn làm hai gia đình lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần chồng chất bởi phải vay tiền cứu mạng sống cho con, tuy thế cho tới nay gần một năm rưỡi sau, cả hai nạn nhân vẫn còn ngây ngây dại dại, không biết có trở lại cuộc sống bình thường được không? Bài báo viết rằng tai nạn giao thông này đã làm cho “hai cuộc đời bị phá huỷ”.

Qua theo dõi một số tai nạn giao thông, tôi thấy lỗi phần nhiều là do tài xế bất cẩn, không tuân giữ các qui định, chạy nhanh vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ, đôi khi ngủ gật hoặc uống rượu bia. Nhưng phân tích sâu hơn, nhiều khi người ta còn có thể tìm ra những nguyên nhân gián tiếp khác, chẳng hạn chủ xe tham lam khống chế khắt khe thời gian tài xế phải hoàn thành lộ trình khiến anh ta phải chạy mau cho kịp, hoặc bắt tài xế làm việc quá tải; anh cảnh sát ăn tiền bỏ qua những vi phạm nặng hoặc những trường dạy lái xe tổ chức bán bằng; rồi con đường mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, đã đầy ổ gà, ổ voi… Như thế rõ ràng vấn đề an toàn giao thông liên quan cách này hay cách khác tới nhiều người, nhiều ngành. Và nó không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục công dân, luật pháp mà trên hết còn là vấn đề đạo đức nữa.

Vào những dịp nghỉ lễ hay mùa nghỉ, tai nạn giao thông lại tăng lên gấp nhiều lần. Ở phương Tây cũng vậy. Tháng 8 là tháng nghỉ hè, trên các đường cao tốc từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy suốt mấy ngày đêm đến các nơi nghỉ. Mới đây, ngày 17 tháng 8, trước khi đọc kinh Truyền Tin chung với giáo dân như thường lệ, Đức Thánh Cha Bênêđitô đã kêu gọi họ: “Người Kitô hữu trước hết phải xét mình về cách thức họ lái xe và ngoài ra, các cộng đoàn phải giáo dục mỗi người biết coi việc lái xe cũng là một lãnh vực để bảo vệ sự sống và thực hành cụ thể lòng bác ái đối với tha nhân. Quả thật, sự sống con người là quá quí báu và thật là quá bất xứng với người ta khi phải chết hay phải tàn tật vì những nguyên nhân có thể tránh được trong phần lớn các trường hợp [tai nạn]’. Và Đức Thánh Cha tóm tắt tư lời kêu gọi của ngài trong một câu mạnh mẽ: “Lái một chiếc xe trên các con đường công cộng đòi hỏi một ý thức đạo đức và một ý thức công dân” (theo Zenit ngày 18-8-2008).

Nếu không phải Đức Giáo Hoàng nói những lời này mà tôi hay một linh mục khác nói, có lẽ một số người sẽ ngạc nhiên hoặc thắc mắc tại sao đưa chuyện đời vào nói như một chuyện đạo cho người Kitô hữu nghe. Nhưng nếu ta sống đạo không phải chỉ trong nhà thờ hay trong những việc kinh lễ nhưng cả trong cuộc sống cụ thể đời thường và trần tục nữa thì chuyện đó lại là bình thường. Mấy chục năm trước, công đồng Vaticanô II đã dạy: […]

“Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết, tùy theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư nhằm cải thiện những điều kiện sống của con người […]. Hơn nữa tại nhiều nơi có nhiều người còn coi thường các luật lệ và những qui định của xã hội. Một số người không ngần ngại dùng những hình thức gian lận và lừa đảo để trốn những thuế vụ chính đáng hoặc trốn những gì xã hội đòi buộc. Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong cuộc sống xã hội, chẳng hạn như những luật liên hệ tới việc bảo vệ sức khoẻ, hoặc việc xe cộ lưu thông, bởi vì họ không nhận thức rằng do bất cẩn như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ và của những người khác […] Mỗi người đều phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay […] Điều ấy chỉ có thể được một khi mỗi người và cộng đoàn trau dồi nơi chính họ những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời đem những đức tính ấy gieo rắc ngoài xã hội” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 30).

Các linh mục khác thế nào tôi không biết, riêng tôi ngồi toà giải tội lâu năm, nhưng chưa từng nghe ai xưng tội liên quan tới “những luật lệ và qui định của xã hội” nhằm vào công ích, ví dụ tội phá hoại môi sinh, làm ô nhiễm môi trường, lái xe bất cẩn gây tai nạn, trốn tránh những nghĩa vụ chính đáng xã hội đòi buộc… Bản xét mình của giáo dân ta nhấn rất mạnh vào những tội thuộc phạm vi phụng tự (đi lễ, đọc kinh …) và phạm vi tôn giáo và luân lý đời sống cá nhân, rất ít quan tâm tới những nhu cầu và nghĩa vụ xã hội, như Công đồng dạy. Và có lẽ chính nhiều vị chủ chăn cũng chưa ra khỏi một quan niệm về đời sống đạo và đời sống luân lý mang tính “cá nhân chủ nghĩa”. Cái “xã hội” mà họ để ý tới thường là cái thế giới riêng của Giáo Hội ta, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, giáo hội quốc gia hay quốc tế. Xã hội “trần thế” là chuyện của đời, chỉ bất đắc dĩ  lắm mới phải nói tới mà thôi. Linh mục nào đem vào lời giảng dạy những nhắc nhở về bổn phận tôn trọng công ích, tôn trọng những qui định xã hội (như không được lấn chiếm lòng lề đường, không lái xe vượt ẩu, hoặc đổ rác, vất con vật chết vào cống rãnh, v.v. ) có thể bị coi là “làm việc của cán bộ nhà nước”. Dĩ nhiên đó là bổn phận chính của chính quyền, nhưng vì những chuyện tương tự mang chiều  kích đạo đức, hơn nữa còn liên quan tới bổn phận bác ái, và vì, trong thực tế, giáo dục nhân bản, trình độ văn hoá cũng như ý thức công dân của người dân ta còn kém, nên một nền giáo dục tôn giáo toàn diện hiện nay vẫn rất nên đi vào những vấn đề đại loại như chúng ta vừa nghe Đức Bênêđitô và Vaticanô II dạy.

Nếu lái xe an toàn là một bổn phận đạo đức liên quan tới bảo vệ sự sống và bác ái đối với mình và tha nhân, thì góp phần trau dồi những đức tính luân lý và xã hội nơi người giáo dân cũng nằm trong trách nhiệm chung của người mục tử.

27-8-2008

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô


MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

Từ thứ ba 26/08/2008 đến thứ sáu 29/08/2008, tôi có chút việc đi Hải Phòng. Ngày đầu tiên ở đất cảng, qua sự giới thiệu của người nhà anh bạn, chúng tôi có ghé thăm một linh mục 68 tuổi quản xứ vùng ven Hải Phòng. Chúng tôi được nghe cha chia sẻ về bước đường theo Chúa của ngài, với biết bao nhiêu là khó khăn của thời kỳ cải cách ruộng đất, nhà chung bị giải tán. Kế tiếp được gọi trở lại nhà Chúa để đào tạo do sự quan tâm hết sức của các Đấng bản quyền, rồi lại bị đuổi về quê, ra đời mưu sinh với đủ thứ nghề vào thời kỳ các chủng viện đóng cửa, sau đó trốn chui trốn lủi để được đào tạo. Chúng tôi còn được nghe các soeur và anh chị em tín hữu kể về các giai đoạn khó khăn và sự kiên trì giữ vững niềm tin. Dù đã được nghe nói về sự can đảm, dấn thân vác thập giá của anh chị em tín hữu miền Bắc, nhưng hôm nay tôi được mục kích từ những chứng nhân sống động. Những lời chia sẻ của vị linh mục, của các nữ tu và anh chị em giáo dân, làm tôi hình dung ra bức tranh hành trình vác thập giá thời kỳ thập niên 50-80 của những người tín hữu mang tư cách môn đệ Đức Kitô sau những “bức tường sắt” vì hoàn cảnh thời cuộc trong những năm chiến tranh và cả thời gian khi Tổ quốc đã được thống nhất do sự đố kị nghi ngờ.

Hình ảnh các linh mục tu sĩ bôn ba đối diện với những thử thách, gian nan, của bà con giáo dân vì niềm tin đối diện với những bất công nhưng vẫn can trường trong đức tin gợi lên trong tôi hình ảnh Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem với lời tiên báo trước về cuộc thương khó của Ngài ở Giêrusalem, và cũng nói về tư cách của người môn đệ, cùng tiến về cùng với Thập giá: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy (Mt 16, 24-25).

Lên Giêrusalem, trong Kinh Thánh, Giêrusalem là thành thánh, vì là nơi ngai toà của Giavê (x. Gr 3, 17). Thành Giêrusalem là trung tâm thờ phượng của Giavê, nơi mà tất cả muôn dân sẽ lui tới (x. Is 2, 1-5. 60, 1-22). Vâng, sấm ngôn nói về tất cả muôn dân lui tới Giêrusalem như là biểu tượng báo trước toàn dân, từ khắp các phương trời, trải qua muôn thế hệ sẽ hướng về Thành Thánh nơi nhắm đến của Chúa Giêsu. Nơi đó, Ngài cũng dẫn dắt các môn đệ đến để thực hiện lời các vị ngôn sứ loan báo về Ngài. Cũng chính tại Giêrusalem Chúa Giêsu chịu chết để đền tội cho nhân loại, phát sinh sự sống mới như lời các ngôn sứ (x. Mt 16, 21; 20, 18; Mc 10, 33; Lc 17, 11. 18, 31. 19, 28…). Trong cái nhìn cánh chung cứu độ, vương quốc được khai sinh bởi Đức Kitô phục sinh dưới hình ảnh Giêrusalem mới (x. Kh 3, 12. 21, 2. 10…)

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, cũng nói với mọi người chúng ta – Kitô hữu, người tin theo Ngài như môn sinh: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Vâng, mối tình thâm sâu của người môn sinh Chúa Giêsu được biểu tượng bằng hình ảnh thập giá, chính thập giá liên kết vận mệnh của môn đệ với vận mệnh của chính Thầy: Thầy sao trò vậy, như Chúa Giêsu đã từng quả quyết: “môn sinh không hơn Thầy”, Thầy vác thập giá, trò cũng mang thập tự. Vâng, như lời Chúa  mời gọi các môn đệ, là những môn sinh của Chúa Giêsu, tôi, bạn cũng được mời gọi đi theo bước chân Ngài: bước đầu là từ bỏ và vô hữu hóa những ràng buộc chính mình với thế gian, để được tự do thanh thoát dưới ân sủng của Thánh Linh và tình yêu, bước tiếp những bước đi mới, những bước đi huyền nhiệm Thập giá để có thể tiếp nhận khổ đau và cái chết theo kế hoạch và tình yêu của Chúa Cha như Thầy đã bước đi trong hành trình Thập giá tiến về đồi Calve. Trong thập giá, khám phá ra sự phục sinh vinh quang, mà Thầy Giêsu đã khai mở bằng sự phục sinh của chính Ngài khi bước qua thập tự. Hình ảnh ẩn dụ dưới hình ảnh chim cú đã phát triển được mắt sáng nhờ "bị" đẩy vào bóng đen. Chính trong bóng tối, chim cú được khai mở khả năng thấy sáng của mình và bóng đêm không thể khuất phục được sức sống của chim cú ngay trong đêm. Hình ảnh chim cú sáng mắt trong đêm tối là biểu tượng của sự khám phá ra nét công hiệu của những “mũi tên ngược” trong cuộc sống của kiếp nhân sinh, cách đặc biệt của đời sống niềm tin đó là những thập giá mà chúng ta mang qua những thử thách, với những chén đắng mà chúng ta uống xuyên qua những nghịch cảnh xẩy đến trong cuộc sống. Thập giá và chén đắng này làm bừng sáng con mắt đức tin và khai mở con mắt tình yêu nơi người sống trong huyền nhiệm thập giá. Chính họ có một nhãn quan mới nhìn vào cuộc sống với biết bao nhiêu biến động có thể mang dáng dấp của bóng tối.

Thế nhưng, trong cuộc sống hôm nay, những người môn sinh – Kitô hữu hình như quên thành thánh Giêrusalem đích phải đến, họ cũng quên cả thập giá mà mỗi bạn hữu Chúa Kitô phải gánh vác. Người ta nghĩ đến nhiều thứ mà với họ đang được quan tâm, là mục tiêu của cả đời: bao nhiêu thú vui, bao nhiêu lời lỗ, tiền tài danh vọng, bao nhiêu nấc thang thăng tiến cuộc đời, khiến chúng ta dừng chân lại như Phêrô không muốn tiến bước. Chúng ta cho rằng, Thập giá Chúa Kitô chỉ là biểu hiện của thất bại. Để rồi khi gặp những trăn trở, thử thách, đen tối của tâm hồn, chúng ta thấy quay cuồng, mất hết niềm hy vọng.

Phêrô là hình ảnh nhân văn nhất về con người mang niềm tin giữa đời, ông là người biểu lộ niềm tin mạnh mẽ nhất như chúng ta đã chứng kiến qua Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường niên A (x. Mt 16, 13-20), nhưng ông cũng là người tầm thường hóa niềm tin, sự tầm thường hóa, ngăn cản bước đường thập giá, đường tiến lên Giêrusalem (x Mt 16, 22), ý đồ đó là những cám dỗ của thần dối trá, của thế gian muốn chúng ta dừng chân mãi bên những thực tại đầy hào nhoáng của thế gian như dân Do Thái nhớ củ hành củ tỏi của Ai Cập mà không muốn cất bước về đất hứa. Thái độ của Phêrô đã bị Thầy thẳng thắn quở trách như một chướng ngại trên đường Chúa đi và hoàn toàn mang tính chất phàm trần. Đó là hình tượng của mọi người chúng ta khi chỉ muốn sống trong hưởng thụ, trong an toàn của vỏ bọc thế gian mà quên đi đường tiến lên về Giêrusalem để tham dự vào mầu nhiệm Thập giá.

Trong Thập giá trở nên hy lễ sống động: hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng tiến lên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Hy tế đó luôn kéo dài trong lịch sử và mời gọi mọi người chúng ta bằng sự đóng góp của bản thân tham dự vào hy tế qua cuộc sống được thánh hóa dưới thập giá, như tâm tình thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Roma “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12, 1).

Lên Giêrusalem để vác thập giá theo Chúa là lời mời gọi từ bỏ những thực tại hào nhoáng phù du lôi kéo con người đi vào thế gian với vỏ bọc an toàn tạm bợ “được cả thế giới”, nhưng lại đánh mất chính mình, khi mất tư cách bạn hữu, mất tư cách môn sinh. Từ bỏ tất cả để vác thập giá tiến lên Giêrusalem, để tôi và bạn được như Phaolô: "Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô" (Pl 1, 21) và “biết Đức Kitô là một mối lợi”.

Khám phá ra Thập giá trong đời mà mỗi chúng ta mang, tiến đến đồi Calve với một tinh thần “vượt qua” mang tình yêu Thiên Chúa. Nơi Thập giá gánh vác, Ngài mời gọi tôi và bạn cùng xốc vác cuộc đời trong đó là tất cả những gì chúng ta là: đầy tài năng, thánh thiện, khiếm khuyết, bất toàn, đau khổ, thử thách… Ngài không ngừng cứu thoát chúng ta, và chúng ta vác thập giá là cùng Ngài chiến đấu như tâm tình của Phaolô: “Anh em hãy cùng tôi chiến đấu...” (Rm 15, 30). 

Từ bỏ mình vác thập giá, và thập giá của tôi và bạn trở nên hy lễ tình yêu, tham dự vào hiến tế sống động của Chúa Kirô trên Thập giá.

Vâng, mong thay tôi,  bạn- chúng ta sống luôn xác tín  như Phaolô : “Vinh dự của tôi là Thập giá” (Gl 7, 14)

                        Lm Vinhsơn, Hải Phòng 29/08/2008

Mục lục



 

Bi hài một chiếc răng sún!

Đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh đã qua đi, đã để lại cho thế giới rất nhiều ấn tượng đẹp từ khâu tổ chức cho đến các màn trình diễn đặc sắc và hoành tráng. Thế nhưng, đàng sau cái vẻ huy hoàng và đặc sắc ấy ngầm chứa những sự thật bi đát của cuộc đời.

Một chuyện hết sức nhỏ nhưng nó để lại trong lòng nhiều người một vết thương lòng khó tẩy xoá. Cô bé Yang Peiji lớp 1 thể hiện bài hát của mình với giọng hát thật đậm chất một “thiên thần nhỏ” nhưng nhân vật chính này lại bị cái khiếm khuyết là có chiếc răng sún nên phải thay vào đó một cô bé chín tuổi Lin Miaoke thay thế. Yang Peiji vì chiếc răng sún của mình phải nép vào hậu trường thể hiện bài hát trong khi đó Lin Miaoke vui vẻ diễn “lip-sync”.

Cái răng sún của Yang Peiji không có tội, Lin Miaoko hát nhép thay bạn cũng chẳng có lỗi gì vì các em đã bị những cái “đầu rất lớn làm tổn thương sự hồn nhiên thơ ngây của các em. Tất cả mọi chuyện chỉ vì người ta dị ứng với một khiếm khuyết nhỏ của con người. Chẳng lẽ những khiếm khuyết ấy là cái tội ?

Ngày xưa, với những người kém nhan kém sắc một chút hay bị khuyết một chút gì đó trên khuôn mặt của mình thì ngậm ngùi than thân trách phận là sinh ra nhằm “ngôi sao xấu”. Ngày nay, với trình độ khoa học thẩm mỹ phát triển, với vô số cơ sở thẩm mỹ và mỹ phẩm đã giúp cho con người chỉnh sửa cái khiếm khuyết không may mắn mà mình gặp phải. Chắc có lẽ vì quá chú trọng đến cái bên ngoài để rồi người ta đánh mất đi cái chất thật, cái bên trong, cái tinh tuý, cái cốt lõi của con người.

 

Không chỉ riêng có chuyện của em Yang Peiji xảy ra trong ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh nhưng còn nhiều và nhiều chuyện của Yang Peiji diễn ra trong đời thường. Hậu quả từ chuyện chắp vá như thế cũng chẳng phải là chuyện mới. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhớ con người rằng “không lấy vải mới vá vào áo cũ” vì khi ấy làm áo cũ toạc ra và tấm vải mới chẳng ra làm sao cả !

Nhớ lại cách đây không lâu, khi người ta mang bánh giầy ra để mà dâng kính Vua Hùng nhân ngày giỗ tổ. Nhìn bề ngoài chiếc bánh thật là đẹp và hoành tráng nhưng khi cắt ra thì ở trong nó chỉ là mút thôi !

Không phải là người ta không biết hành động của người ta chỉ mang tính lấp liếm, giả tạo, lừa phỉnh nhưng họ cứ cố làm để đạt cho mục đích của họ dù phương tiện gì đi nữa. Thói sống giả tạo này hình như ngày mỗi ngày nó cứ lan rộng trong xã hội và thậm chí cả giáo hội nữa. Người ta cứ dùng tất cả những hoa mỹ bóng bẩy để che lấp cái mưu đồ thâm độc bên trong của họ. Thoạt nhìn bên ngoài thì hay thật nhưng nếu biết sự thật thì quá là đau lòng như chuyện chiếc răng sún của bé Yang Peiji vậy.

Một bài học quá quen thuộc mà đau đớn những người sống không thật phải đón nhận.

Một lần nữa qua chuyện bi hài của chiếc răng sún cho ta lựa chọn lối sống. Hoặc là đón nhận nhau thật lòng với những khiếm khuyết không mong muốn của con người; hoặc là bằng mọi cách thậm chí tán tận lương tâm, luân thường đạo lý để che đậy những cái khiếm khuyết của con người.

Lm Anmai, DCCT

Mục lục

 

Tài liệu Thường huấn Linh mục Giáo Phận Nha Trang, Năm Thánh Phaolô 2008

Bài 5:

SỰ HOÀ GIẢI THEO TINH THẦN CỦA PHAOLÔ

Hơn bao giờ hết, vào lúc này, người ta nói nhiều đến “hòa giải”. Tuy nhiên, thế nào là hòa giải như Thiên Chúa muốn, chúng ta cùng đọc các thư của thánh Phaolô để tìm câu trả lời.

                                                                              Lm. Nguyễn Văn Bản, Gp. Quy Nhơn

Trong năm thánh Phaolô, chúng ta có dịp tìm hiểu về cuộc đời truyền giáo, những biến cố quan trọng, cũng như những tư tưởng thần học chi phối cách lập luận và lựa chọn của vị Tông Đồ Dân Ngoại. Lựa chọn phong cách truyền giáo của Phaolô không phải là một quyết định do ngẫu hứng, nhưng là kết quả của những suy tư bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Đamas. Cuộc gặp gỡ đã làm cho ngài bị giằng co xâu xé, một bên là giá trị truyền thống của Lề Luật và một bên là Đấng Phục Sinh đang hiện diện. Những nỗ lực để vượt qua cuộc khủng hoảng này đã giúp cho Phaolô có cơ sở vững chắc để trình bày về mối tương quan giữa Đức Kitô và Lề Luật. Sự vượt qua này, kết quả của sự hoà giải giữa mình với Thiên Chúa và với Lề Luật, nhờ vào sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, đã giúp cho Phaolô có điểm tựa để giúp các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi vượt qua những khủng hoảng trong cộng đoàn cũng như về căn tính của người kitô hữu.

Trong giới hạn khiêm tốn của bài nghiên cứu này, chúng ta dựa trên hai bản văn của Phaolô trình bày về sự hoà giải, để hiểu ý nghĩa của từ vựng này trong tư tưởng của Phaolô như thế nào, rồi sẽ đề cập đến biến cố gặp gỡ trên đường Đamas để hiểu thêm tầm quan của sự hoà giải trong suy tư thần học của ngài.

I/ Hoà giải trong thư 2 Côrintô và Rôma

 

Từ "hoà giải" được Phaolô sử dụng, dưới dạng động từ (katalla,ssw) hay danh từ (katallagh,), trong 2 bản văn khá quan trọng: 2 Cr 5,14 - 6,2 và Rm 5,6-11. Để hiểu được ý nghĩa của từ này, cần phải đặt mình trong bối cảnh của cộng đoàn nhận thư và nắm bắt được cách lập luận của Phaolô trình bày trong đoạn văn đó.

 

1/ Bối cảnh của cộng đoàn tín hữu trong thư 2 Côrintô

 

Trong thư 2 Cr 2,14 - 7,4, Phaolô biện minh cho sứ vụ tông đồ của mình, để trả lời cho những nhóm chống đối lại việc ngài rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Vấn đề ở Côrintô thật tế nhị, vì có nhiều người đến thành phố này thi hành chức vụ khác với Phaolô. Ở đây, Phaolô gặp sự chống đối của một đối thủ, được biết đến rõ ràng nhưng tên tuổi không được tiết lộ (2,5-8); đoạn ngài viết "lá thư trong nước mắt" (2 Cr 2,1-9; 7,8-12) vì những chuyện lộn xộn này. Có hai yếu tố giúp chúng ta nhận ra những điều các đối thủ cáo buộc Phaolô về tông đồ tính của ngài: một đàng ngài khẳng định mình là người trung thực được Thiên Chúa sai đi, chứ không phải như nhiều người xuyên tạc Lời Chúa (2,17), đàng khác, ngài nhắc đi nhắc lại việc "giới thiệu" (sunista,nw) với cộng đoàn như là bằng chứng về tính hợp pháp của Ngài trong việc rao giảng Tin Mừng (2 Cr 3,1-3; 4,2; 5,12; 6,4). Sự mâu thuẫn trong cộng đoàn cần phải được giải quyết do sự thúc đẩy của tình yêu Đức Kitô và theo mô hình hoà giải của Ngài.

 

2/ Sự hoà giải trong 2 Cr 5,14 – 6,2

 

Điều mà đoạn văn này nhắm đến là sự hoà giải của mỗi người với Chúa và mọi thành viên trong cộng đoàn với nhau. Động cơ của lời mời gọi là "sự thôi thúc của tình yêu Thiên Chúa" (5,14a). Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, Đấng không biết đến tội lỗi, đã để cho Con Một của Ngài chết vì chúng ta, để hoà giải thế gian với mình, vị tông đồ cảm thấy có trách nhiệm phải hoà giải với những người khác, những người chống đối hoặc không chia sẻ quan điểm với mình, không chỉ bởi vì ngài đã được hoà giải, nhưng ngài còn được lãnh nhận tác vụ hoà giải nữa.

 

Lập luận của Phaolô dựa trên một cảm nghiệm nền tảng: hoà giải là một ơn nhưng không đến từ Thiên Chúa, đây là một điều kiện giúp con người đón nhận ơn công chính và làm cho ơn này phát sinh hoa trái. Một người đã chết cho mọi người để làm gì ? Nếu mọi người được thừa hưởng hiệu quả của cái chết đó, họ có được biến đổi gì không hay vẫn sống theo kiểu của con người cũ ? Nếu cái chết của "Đấng đã chết và sống lại" vì chúng ta, những người kitô hữu, không đem lại được điều gì mới mẻ cho từng người tín hữu, thì cái chết của Ngài trở nên vô ích à ? Một cái chết vô ích làm sao có thể trở thành trung tâm của niềm tin kitô giáo và làm sao có thể đem lại sự sống đời đời?

 

Câu trả lời của vị tông đồ thật rõ ràng: bởi vì Đức Kitô đã chết cho mọi người được sống, thì những người đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (5,15). Phaolô muốn nói gì nếu không phải là: bởi vì đã được cứu chuộc nhờ cái chết của Đức Kitô, người kitô hữu phải sống một đời sống mới, một đời sống biểu lộ được hiệu quả của ơn cứu chuộc. Vì thế, từ nay ngài không biết đến con người cũ, con người theo xác thịt nữa, nhưng là con người mới, con người sống trong Đức Kitô (5,16-17). "Con người mới" này là gì nếu không phải là người ý thức rằng sau khi được hoà giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô, đã được trở nên công chính, thì đến phiên mình, cũng phải sống theo tinh thần hoà giải của Đức Kitô, biến mình thành phương tiện đem sự sống đến cho người khác.

 

Theo cha M. Trimaille, trong tiếng hy-lạp, động từ "hoà giải" được hình thành do tĩnh từ "khác" (alla). Vì thế, sự hoà giải là một hành động biến đổi[1]. Hơn nữa, vì giới từ Kata có nghĩa "từ trên xuống dưới, hoàn toàn"[2], nên động từ "hoà giải" (katalla,ssw) có nghĩa là một sự thay đổi hoàn toàn, làm cho con người trở nên khác trước; nhưng sự thay đổi này đến từ bên trên, nghĩa là đến từ Thiên Chúa, chứ không phải là do sức riêng của con người. Trong tư tưởng của Phaolô, điểm làm cho người kitô hữu thay đổi và nhờ đó họ trở nên giống Chúa Giêsu, sống tinh thần hợp nhất trong cộng đoàn, cũng như thánh hoá đời sống của mình, đó là nhờ Tin Mừng cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô.

 

Cũng theo M. Trimaille, trong cộng đoàn kitô hữu, mọi sự hoà giải đều bắt nguồn từ sự hoà giải giữa con người với Thiên Chúa được thực hiện qua cái chết của Đức Kitô, bởi vì chính cái chết này đã làm thay đổi tất cả. Có một điều gì đó mới mẻ đã được thực hiện và xuất hiện trong lịch sử. Phép rửa tội, nơi mà sự mới mẻ này được thực hiện, không chỉ là sự hoà giải với Thiên Chúa, nhưng còn đòi hỏi phải nhận biết anh chị em mình một cách khác hơn và biểu lộ cho họ thấy được "tình yêu của Đức Kitô" thôi thúc trái tim[3].

 

Công việc hoà giải của Thiên Chúa không dừng lại nơi cái chết lịch sử của Đức Giêsu Kitô, Ngài tiếp tục trao ban sứ vụ này cho các vị Tông Đồ: "Mọi sự ấy đều do Thiên Chúa, Đấng đã hoà giải chúng ta với chính mình Ngài, và ban cho chúng tôi chức vụ hoà giải, bởi vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hoà giải thế gian với chính mình, Người đã không tính đến tội lỗi của họ và đã đặt trên chúng tôi lời hoà giải" (5,18-19). Nói khác hơn, Thiên Chúa kéo dài công việc hoà giải của mình qua trung gian sứ vụ tông đồ: điều mà Ngài đã làm cho hoàn thành một lần trong Đức Kitô, được hiện tại hoá trong sứ điệp Tin Mừng trao phó cho các tông đồ, sứ điệp có khả năng đặt con người vào những mối tương quan mới với Thiên Chúa và ban cho họ một cái nhìn mới về anh chị em mình[4]. Và theo cách lập luận này, chúng ta có thể hiểu rằng để có thể trở thành thừa tác viên của sứ vụ hoà giải, vị tông đồ phải là người ý thức về sự hoà giải mình đã được lãnh nhận, tình trạng công chính mà mình đang sống, và chính mình cũng phải nỗ lực sống tinh thần hoà giải, tinh thần của một thọ tạo mới, như là biểu thị hoa trái của sự hoà giải mà mình đã lãnh nhận. Nói khác hơn, người tông đồ phải sống tinh thần hoà giải, vì không những là mình ý thức được giá trị của việc cứu chuộc qua cái chết của Đức Giêsu Kitô, nhưng còn vì mình đã được trao cho sứ vụ hoà giải, với Thiên Chúa và với cộng đoàn.

 

3/ Sự hoà giải trong Rm 5,6-11

 

Trong thư Rm, vào lúc mà tư tưởng của Phaolô chuyển từ vấn đề công chính hoá sang vấn đề ơn cứu rỗi thì từ "hoà giải" lại xuất hiện. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người được biểu lộ nơi cái chết của Đức Kitô. Chính nơi Ngài mà niềm hy vọng cứu rỗi có thể dựa vào. Phaolô trình bày tính cách song song giữa tội lỗi/kẻ thù và được nên công chính/được hoà giải.

Chúng ta biết rằng Phaolô thường diễn tả hiệu quả chính yếu của công cuộc cứu chuộc bằng từ "công chính hoá", nhưng ở đây ngài diễn tả rõ ràng bằng từ "hoà giải". Trước khi được "ơn công chính", con người bị coi như "vô đạo" (c. 6), "tội lỗi" (c. 8); cũng vậy, trước khi được "hoà giải", họ là "kẻ thù nghịch với Thiên Chúa" (c. 10). Cả hai cách trình bày này đã được liên kết trong câu đầu của chương 5: "Vậy, một khi đã nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (5, 1). Rõ ràng là sự "bình an" ở đây đối nghịch lại với sự thù nghịch ở câu 10.

 

Nhưng tại sao Phaolô dùng ở đây từ "hoà giải" thay vì dùng từ công chính hoá như ngài quen làm ? Cũng theo M. Trimaille, từ "hoà giải" thêm vào cho từ "công chính hoá" điểm nhấn mạnh về "sự thay đổi". Nếu Thiên Chúa nhìn kẻ đã từng là "kẻ thù nghịch" của Ngài một cách khác, nếu mối tương quan với Ngài đã trở nên mối tương quan "bình an", đó chính là bởi vì con người không chỉ được làm cho nên công chính trên bình diện pháp lý, nhưng còn trong mức độ "hiện sinh"[5]. Thực vậy, lập luận của 5,9-11 vận hành theo chiều ngược lại: công việc của ơn cứu rỗi trong tương lai sẽ đòi hỏi Thiên Chúa "ít" sức mạnh hơn sự công chính/hoà giải đã thực hiện. Hoà giải là một sự chuyển đổi nền tảng hơn là chính sự chuyển đổi của ơn cứu độ cánh chung: đối với Thiên Chúa, ban sự sống cho thân xác hay chết của chúng ta thì dễ hơn là làm cho chúng ta trở nên những người công chính. Sự bình an mà Thiên Chúa thiết lập với các tín hữu nhờ vào ơn cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô rõ ràng là một ân huệ phi thường trong sự chuyển đổi trong thân phận con người của chúng ta[6].

 

Trong cách lập luận về sự hoà giải trong chương này, chúng ta thấy có sự tương đồng với cách lập luận trong thư 2 Cr Ngay cả khi chúng ta còn là người vô đạo (c. 6), tội lỗi (c. 8), nghĩa là những kẻ đứng về phía đối nghịch với Thiên Chúa, thì Đức Kitô đã chết vì chúng ta (c. 6). Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết để cho chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa (c. 10). Vậy, Đức Kitô chính là Đấng hoà giải chúng ta với Thiên Chúa (c. 11). Sự hoà giải qua cái chết của Chúa Giêsu là một điều đã xảy ra trong quá khứ, và đây cũng chính là điều kiện để người tín hữu được trở nên công chính và nhờ đó có được đời sống ân sủng trong Thiên Chúa. Đời sống ân sủng này sẽ cứu chúng ta thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, điều sẽ xảy đến trong tương lai. Thế thì từ khi được hoà giải, được đón nhận ơn công chính, đến khi thừa hưởng trọn vẹn ơn cứu độ trong Ngày của Chúa, người tín hữu phải làm gì ? Chắc chắn không phải là một thái độ thụ động, nhưng phải làm thế nào để ơn Chúa mà mình đã lãnh nhận không trở nên vô ích. Điều mà Phaolô còn bỏ ngỏ trong đoạn này sẽ được khai triển kỹ lưỡng trong Rm 8, khi ngài trình bày về cuộc sống mới theo Thần Khí của những người được cứu độ trong Đức Kitô.

 

Hoà giải là một điều mà người kitô hữu đã đón nhận một cách nhưng không; hoà giải làm cho con người trở nên khác, trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô. Chính nhờ cái nhìn khác này, mà "một người Do Thái nhiệt thành với Lề Luật của Cha Ông" không còn nhìn Chúa Giêsu như một "kẻ làm điều ác" (Ga 18, 30), "tên phạm thượng" (Ga 19,7), nhưng là một "Thiên Chúa làm người" (Pl 2,6-11); cũng chính nhờ cái nhìn khác này mà một người ngoại giáo không còn chỉ thấy Chúa Giêsu như là một tên gian phi, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin Mừng cứu độ của Ngài do các tông đồ rao giảng. Hoà giải là một lời mời gọi giúp con người khám phá tình yêu Thiên Chúa và khả năng đáp trả của con người. Sự khám phá này cũng chính là kinh nghiệm Phaolô đã trải qua.

 

II/ Sự hoà giải, một kinh nghiệm của chính Phaolô

 

1/ Trước biến cố Đamas

 

Sách Công vụ Tông Đồ giới thiệu về một Saolô tàn phá Hội Thánh (8,3), và sự bách hại của ông càng ngày càng khốc liệt hơn (9,1-2). Từ một người thanh niên khiêm tốn giữ quần áo cho những người ném đá Stêphanô (7,58), trở thành một người tự nguyện đi bắt những người tin vào Chúa Giêsu, chỉ là một bước nhỏ. Lòng nhiệt thành với Lề Luật của Cha Ông và quá trình được đào tạo trong truyền thống biệt phái khiến ông không thể có một "cái nhìn khác" với quan điểm của những người lãnh đạo do thái vào thời điểm đó[7].

 

Sau khi kết thúc cuộc hành trình truyền giáo lần thứ III, Phaolô về đến Giêrusalem và bị những người Do Thái quá khích bắt ngay trong đền thờ. Trong khi ngỏ lời với nhóm người này, Phaolô trình bày một phần lý lịch của mình như sau: "Người Do Thái, sinh ở Tarse, nhưng được nuôi dưỡng tại thành Giêrusalem, dưới chân thầy Gamaliel, tuân giữ Lề Luật của Cha Ông một cách nghiêm nhặt" (22,3-5). Hai năm sau, trình diện trước mặt vua Agrippa, Phaolô cho biết thêm: "Tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pharisiêu" (26,5), "Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giêsu người Nadarét" (26,9). Trong các thư của ngài, Phaolô cũng khẳng định về nguồn gốc do thái và một phần nào lý do về thái độ thù nghịch của mình (1 Cr 15,9; Gl 2,13-14; Pl 3,4-6).

 

Đối với Saolô, lựa chọn bảo vệ Lề Luật theo cách thế của những người lãnh đạo lúc bấy giờ là điều hợp lý, bởi vì "chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa" (Ga 19,7). Cách lý luận này vẫn là nền tảng cho lựa chọn của Saolô, mãi cho tới ngày ngài nhận ra Giêsu dưới một cái nhìn khác.

 

2/ Cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời Phaolô

 

Trong tư cách của một người đi bách hại, đáng lẽ phải là người chất vấn những người kitô hữu, Saolô lại bị một người đang bị bách hại chất vấn: "Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta ?" (Cv 9,4). Rồi người đó còn giải thích thêm: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ" (Cv 9,5). Đứng trước sự việc lạ lùng này, Saolô không biết lý luận làm sao; ông không đòi hỏi người đối thoại giải thích rõ ràng hơn, ông đành để cho lý trí của mình bị khuất phục qua lời thưa: "Lạy Chúa, con phải làm gì ?" (Cv 22,10).

 

Sự kiện được tiếp xúc với Chúa Giêsu Phục Sinh tự đồng hoá với những người anh chị em tín hữu nhỏ bé bị bách hại cũng đủ để thuyết phục Saolô rằng Đấng bị đóng đinh trên thập giá hiện đang sống. Bởi vì Ngài đang sống, nên sự kết án của Lề Luật, qua trung gian của những người lãnh đạo, không có hiệu lực. Điều này buộc Saolô phải đặt lại giá trị của Lề Luật, cũng như vai trò của Lề Luật như là nơi Thiên Chúa biểu lộ ý muốn của Ngài cách cụ thể nhất.

 

Hãy thử đặt mình vào trong trường hợp của Saolô, chúng ta sẽ thấy mình bị xâu xé đến mức độ nào. Là một người nhiệt thành phụng sự Lề Luật như là một cách thế biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa, bỗng dưng phải đặt lại vấn đề về giá trị của Lề Luật. Là một người đang truy bắt các kitô hữu, nghĩa là đứng về phía những "kẻ thù" của Đức Kitô, bỗng dưng được gặp Ngài trong vị thế của người chiến thắng, và để cho mình bị hoàn toàn khuất phục. Saolô không thể giải thích sự kiện này ngay lập tức, cũng không thể cứng lòng chối bỏ cuộc gặp gỡ này. Con người của ngài bị xâu xé và cần có thời gian để tìm được câu trả lời thích hợp và nhờ đó ngài đi đến chỗ thống nhất đời sống. Vì thế, ngài đã chọn một giải pháp hợp lý: "Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi sang xứ A-rập, rồi lại trở về Đamas" (Gl 1,16-17). Chính trong thời gian cô tịch trong sa mạc A-rập, Saolô đã có dịp phân tích và hệ thống hoá tất cả những điều mình hiểu dựa trên điều căn bản: Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại để cho con người có được sống mới, sự sống trong Thiên Chúa. Kinh nghiệm của sự hoà giải này được phản chiếu trong lý luận của cả hai đoạn văn quan trọng: 2 Cr 5,14 – 6,2 và Rm 5,6-11.

 

Sự gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh đã biến Phaolô thành một thụ tạo mới. Chúa Giêsu Phục Sinh đã đi bước trước để hoà giải kẻ bách hại và người bị bách hại. Nhờ sự hoà giải này, Phaolô khám phá ra giá trị của sự sống mới trong Thiên Chúa và dành hết cuộc đời còn lại của mình để thi hành tác vụ hoà giải qua việc loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chính kinh nghiệm của Phaolô đã giúp cho ngài khám phá ra mối tương quan giữa Đức Kitô và người tông đồ: hoà giải – công chính – hoà giải.

 

------------------------------------------------------------------------

Các tài liệu tham khảo:

 

1/ James Orr, The International Standard Bible Encyclopaedia, WM. B. Eerdmans, USA, 1957.

2/ Anatole Bailly, Dictionnaire GREC FRANÇAIS, Hachette, 2000.

3/ Michel Quesnel, Les épitre aux Corinthiens, C.E. 22, 1977.

4/ Michel Trimaille, La réconciliation selon st. Paul.

5/ Bible Works

-------------------------------------------------------------------------

 

Câu hỏi thảo luận:

 

Sự hoà giải với con người tội lỗi bắt nguồn từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chính tình yêu này đã giúp cho Phaolô vượt qua được những rào cản của tinh thần phe nhóm, để có thể nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện và ngỏ lời với mình, rồi sau đó chính ngài cũng trở thành tác viên của sự hoà giải. Là những thừa tác viên hoà giải, chúng ta cần sống tinh thần hoà giải như thế nào ?

 

[1] Michel Trimaille, La réconciliation selon st. Paul, tr. 5.

 

[2] Anatole Bailly, Dictionnaire GREC FRANÇAIS, Hachette, 2000, tr. 1026.

 

[3] M. Trimaille, La réconciliation selon st. Paul, tr. 5.

 

[4] Ibidem

 

[5] M. Trimaille, La réconciliation selon st. Paul, tr. 6.

 

[6] Ibidem, tr. 7.

 
[7] Trường hợp của Gamaliel trong CVTĐ 5, 34-39 là một ngoại lệ.

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Giảng lễ Hôn Phối :

MIẾNG TRẦU

I. TRUYỆN TRẦU CAU.

 

            Trong dân gian Việt nam có một câu truyện rất bình dân và rất phổ biến mà ai cũng biết, nó nói lên tình nghĩa vợ chồng anh em, tạo nên hạnh phúc gia đình. Câu truyện ấy như sau :

           

            Có hai anh em họ Cao, diện mạo, thân hình cùng tác phong giống hệt nhau. Họ thương yêu nhau và gắn bó với nhau đến nỗi không thể rời xa nhau được.

            Người anh tên là Tân kết hôn với nàng Lưu-sương-Phù. Còn em tên là Lang, tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn không muốn kết bạn để khỏi phải rời xa anh chị.

            Một hôm hai anh em đi săn, người em cảm thấy mệt nên bỏ rừng về nhà trước. Nàng Lưu sương Phù tưởng lầm đó là chồng mình, nên chạy ra cổng chào đón với tất cả tình âu yếm. Người em cảm thấy e thẹn. Và để khỏi tái diễn cảnh ngượng ngùng đó nữa, chàng đã quyết định bỏ nhà ra đi.

            Chàng lang thang mãi cho tới khi đến bên bờ một con sông lớn. Không một con đò, cũng không một nhịp cầu, nên chàng phải dừng chân bên bờ sông. Vừa đói, vừa mệt lả, chàng chết dần, hoá thành tảng đá lớn.

            Người anh biết sự việc nên bỏ nhà ra đi tìm em để trọn tình ruột thịt. Anh lần mò theo cùng con đường em đã đi. Đến bờ sông, anh vừa đói vừa mệt nên ngồi nghỉ trên tảng đá lớn rồi chết là hóa thành cây cau cao vút trời xanh.

            Nàng Lưu sương Phù ngày ngày mong chồng chờ em trở về, nhưng vẫn biền biệt, nên nàng cũng bỏ nhà ra đi cho trọn tình nghĩa vợ chồng. Nàng cũng đi theo con đường mòn mà chồng và em đã đi qua. Tới bờ sông, nàng ngồi nghỉ trên tảng đá, dựa lưng vào thân cây cau rồi cũng chết đi hoá thành dây trầu cuốn quanh cây cau.

 

            1. Ý nghĩa câu truyện :

 

 Mỗi câu truyện cổ tích đều có hậu, đều đem đến một bài học luân lý. Câu truyện trầu cau nói lên tình nghĩa gia đình và tình nghĩa anh em. Chính tình yêu này đã tạo nên hạnh phúc gia đình.  Sự phối hợp trầu cau và vôi lấy từ đá luôn tạo thành mầu đỏ thắm, được dùng để diễn tả tình nghĩa sâu đậm và mặn mà giữa vợ chồng, với anh em trong gia đình đầm ấm yêu thương.  Chính vì thế, trầu cau được dùng trong việc cưới hỏi, để cầu chúc đôi tân hôn xây dựng tổ ấm gia đình trong tình nghĩa thân thương.

 

 2. Tục lệ trầu cau trong nền văn hoá Việt nam.

 

            * Trong xã giao hằng ngày.

 

            Người ta nói :”Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Theo thói quen  của phong tục ngày xưa, người ta mời chào nhau bằng miếng trầu trong nơi bình dân cũng như nơi quyền quí. Gặp nhau trên đường hay ở một hàng quán cũng mời nhau trầu, nhất là khi khách đến nhà.  Trong bài thơ “Khách đến chơi nhà” thi sĩ Nguyễn Khuyến đã xin lỗi bạn vì không có trầu để chào mời :                                               

                                                Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

                                                Bác đến chơi đây, ta với ta.

 

            * Trong cách trao đổi giữa trai gái.

 

            Các bạn trẻ tuổi lứa đôi, khi gặp nhau cũng đưa mời trầu để làm quen và cũng có thể là dịp để ướm hỏi thử lòng :

                                                Gặp nhau ăn một miếng trầu

                                                Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào.

 

            Nhiều khi bạn trẻ mời nhau miếng trầu là gói ghém tất cả những gì hứa hẹn gắn bó :

 

                                                Trầu này trầu quế trầu hồi,

                                                Trầu loan trầu phượng trầu tôi trầu mình.

                                                Trầu này trầu tính trầu tình,

                                                Trầu nhân trầu nghĩa, trầu mình với ta.

 

            * Trong việc cưới hỏi.

 

            Không biết đã có từ lúc nào trầu cau là hai thứ đã chiếm giữ một vai trò quan trọng không thể vắng thiếu trong các lễ vật ở buổi hôn lễ của dân tộc Việt nam.

            Ngoài ra, trầu cau cũng đi đầu trong mọi sinh hoạt giao tế, ăn nói thời xưa, nay còn truyền lại ở mọi nơi, nhất là ở nông thôn vườn ruộng. Ở thành thị “miếng trầu vẫn là đầu câu chuyện” cho nên mỗi khi cưới hỏi, dầu cho khó khăn trong việc tìm mua, cho dù khan hiếm vào lúc không phải mùa như thế nào và cho dẫu thời nay, ít có bà con ăn trầu, người ta cũng phải tìm mua cho bằng được hai thứ này, không nhiều thì ít để giữ lễ. Nói khác hơn là để thủ lễ và chứng tỏ khả năng căn bản về kiến thức của văn lễ gia đình, tộc họ mình. Sự thiếu sót quả là điều đáng tiếc.

            Tục lệ ăn trầu thì có ở nhiều nơi trên thế giới,  nhưng dường như ở Việt nam mới đưa lên hàng quan trọng có sắc nét cá biệt trong mọi nghi lễ, hơn vậy còn có tính cách trang nghiêm chỉ một lần trong đời người mà thôi.

                                    (Phạm côn Sơn, Hôn lễ và nghi thức, tr 39-40)

 

            3. Tính cách triết lý của truyện Trầu cau.

 

            Sau khi Cao Lang bỏ nhà ra đi, người anh là Cao Tân đi tìm kiếm và nhận lãnh cái chết để đền trả sự sai lầm của mình trong cách đối xử với người em là một ý thức đề cao tình anh em huyết nhục không thể ly tán. Anh em phải sống chết có nhau và không thể vì riêng tư mà bỏ nhau.

            Xuân Phù đi tìm chồng và chết theo chồng là sự kiện đề cao tình chồng vợ chung thủy.

            Cái chung cuộc với hình trạng cây cau không cành vươn lên cạnh hòn đá và dây trầu quấn quít theo cây cau là biểu trưng sự xum họp hạnh phúc chồng vợ gia đình.

            Có lẽ từ ngàn xưa đã có ai đó nhìn thấy được một hình trạng của thiên nhiên thảo mộc mà nghĩ ra chuyện này rồi săp xếp thành câu chuyện có mạch lạc, ý nghĩa để truyền bá, giáo dục trong đại chúng. Đây là cách giáo dục quần chúng có ý nghĩa và đơn giản vào thời xa xưa , nhưng có tác dụng lâu dài cho tới ngày nay.  Dầu sao, chuyện tích Trầu cau vẫn mang tính chất triết lý về sự giáo dục cộng đồng và triết lý đó đã biến thành thực dụng khá đơn giản trải qua bao thế kỷ và tồn tại tới ngày nay qua tục ăn trầu,  cùng vấn đề Trầu Cau biến thành vật lễ trong việc cưới hỏi luôn gây ấn tượng về hạnh phúc gia đình và vợ chồng.

                                    (Cf  Phạm côn Sơn, Cau trầu đầu chuyện, tr 90-91)

 

II. MIẾNG TRẦU VÀ TÍNH CÁCH HOÀ HỢP.

 

            Theo câu truyện Trầu cau, về sau, vua Hùng Vương nhân đi tuần thú qua xứ ấy, thấy trong đền có cây xanh lá tốt, mọc trên một đống đá. Vua ngồi nghỉ mát, gọi người bản thổ hỏi chuyện, rồi ngài sai lấy quả cau ấy bổ ra, và lấy hòn đá nung lên thành vôi tôi với nước, rồi lấy vôi quệt vào lá trầu mà ăn lẫn với miếng cau thì thấy mùi mẽ thơm tho, nhổ ra hòn đá thì thấy đỏ ối. Ngài mới truyền cho thiên hạ lấy giống mà trồng để dùng vào việc cưới xin và mọi việc.

                                    (Phan kế Bính, Việt nam phong tục,  tr 350)

 

            Khi ăn một miếng trầu có cau và vôi, người ta cảm thấy có mùi thơm tho và ngon miệng. Miếng trầu làm cho má cô nàng hồng lên trông hấp dẫn. Miếng trầu cũng làm cho lòng người ấm lên cả trong lẫn ngoài, nhất là những lúc trời lạnh.  Miếng trầu tượng trưng  cho duyên tình của đôi lứa :

                                                Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng :

                                                Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không ?

                                                - Trầu vàng nhá với cau xanh,

                                                Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

 

            Muốn có một miếng trầu ngon, người ta luôn phải trộn lẫn ba thứ  đó vào làm một “3 in 1” : trầu, cau và vôi. Mỗi thứ có một mùi vị riêng : trầu cay, cau đáng, vôi nồng. Nếu chỉ dùng một thứ thì không chịu nổi : nếu chỉ ăn lá trầu thì cay quá, cau lại chát, ăn vôi thì bỏng miệng.

 

            Miếng trầu nói lên ba đặc tính không thể tách rời nhau : cay, đắng, nồng. Đôi khi người ta ăn trầu với thuốc lào hay vỏ chay, lúc đó miếng trầu trở nên “5 in 1”. Do đó, miếng trầu nói lên sự hoà hợp giữa vợ chồng và con cái.  Tuy mỗi người có một tính tình riêng nhưng mỗi phần tử trong gia đình phải bỏ ý riêng để tìm đến một hoà hợp chung : mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có sự hòa hợp như thế, gia đình mới có đời sống ấm êm :

 

                                                Trầu xanh, cau đắng, chay hồng,

                                                Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.

 

III. MIẾNG TRẦU VÀ TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG.

 

            Giới răn Thiên Chúa đòi buộc mọi người phải yêu thương nhau như chính mình, không phân biệt. Tình yêu vợ chồng lại càng phải được kiện toàn với tình yêu hy sinh vô vị lợi và bằng một sự hoà hợp thắm thiết.  Càng hy sinh, tình yêu càng mặn nồng và làm cho gia đình  càng hạnh phúc. Hy sinh tỷ lệ thuận với hạnh phúc :”Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”(Ga 15,13).

 

            Truyện trầu cau và phong tục ăn trầu mãi mãi là một gia tài của cha ông truyền lại cho con cháu, nó mang một ý nghĩa rất thâm thúy : càng bị nghiền nhai ra thì càng trở nên mầu đỏ thắm tình yêu :

                                                Con đường nghiền nát trầu cau

                                                Nên mầu đỏ thắm nên mầu sắt son.

 

            Trong Tông huấn về Gia đình, Đức Gioan Phaolô II viết:”Sự  hiệp thông trong gia đình đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn  mở rộng lòng mình ra để thông cảm, bao dung, tha thứ và hoà giải với nhau”(FC 21).

 

  Chúng ta chú trọng đến hai chữ “Bao dung”, hãy mở rộng lòng ra để đón nhận nhau trong tinh thần bao dung.  Bao dung là “Tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người và người trong mọi chiều kích”. Vì thế, những cặp vợ chồng bao dung sẽ dễ dàng xích lại gần nhau, dễ dàng bổ túc cho nhau, nhờ đó họ kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương.  Léon Tolstoi đã nói:”Yêu ai là yêu trọn vẹn con người đó y như trong thực tế, chứ không phải như trong ước muốn của ta”.

 

            Sự hiệp nhất bền vững trong đời sống vợ chồng không chỉ là bảo chứng  cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và đẹp lòng Chúa, mà còn là một chứng từ có sức thuyết phục đối với những gia đình đang chìm trong bất hoà, chia rẽ và đổ vỡ.

 

                                                                                                Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Mục lục

Sức khỏe gia đình

Những lưu ý khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi

Người cao tuổi (NCT) chiếm tỷ lệ không lớn lắm trong dân số (như ở Việt Nam có 6 triệu người cao tuổi, chiếm 7% dân số) nhưng lại là đối tượng dùng rất nhiều thuốc. Không chỉ được kê toa dùng nhiều thuốc, NCT còn hay tự ý dùng thêm thuốc đưa đến tình trạng tỷ lệ bị tai biến do thuốc ở NCT cao hơn nhiều so với các lứa tuổi dưới 60.

Nguyên nhân tăng tỷ lệ tai biến ở NCT khi dùng thuốc

NCT thường hay đau ốm, đặc biệt, mắc một lúc nhiều bệnh, do đó, thường phải dùng thuốc nhiều hơn người trẻ tuổi, thì càng dễ bị tai biến do thuốc.

Do mắc một số bệnh mạn tính mà các bệnh này đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh.

NCT thường quá lo lắng về sức khỏe nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định, thậm chí dùng thuốc gọi là để "phòng" (như uống thuốc trị cảm sốt để ngừa cảm).

NCT do trí tuệ giảm sút thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng và số lần dùng thuốc. Một số NCT có thói quen để dành thuốc, gói cất trong những gói hoặc chai lọ không nhãn, một thời gian sau lại đem ra dùng nhưng do không nhớ rõ nên đã có những trường hợp bị tai biến do uống lầm thuốc.

Có nhiều thuốc trở nên nguy hiểm đối với NCT vì những thay đổi sinh lý của tuổi già thường làm tăng nồng độ thuốc trong máu một cách bất thường. Hiệu quả sử dụng thuốc ở NCT giảm do:

Thuốc được hấp thu chậm và kém ở NCT do hoạt động của hệ tiêu hóa đã bị giảm sút.

Ở NCT, khối lượng cơ bắp và lượng nước giảm trong khi lượng mỡ tăng. Điều này làm thay đổi sự phân bố của thuốc. Có thuốc giữ lại trong mỡ lâu đưa đến thuốc được thải trừ chậm. Có thuốc tập trung trong máu cao làm tăng tác dụng dược lý, tức tăng hoạt tính đồng thời cũng tăng độc tính.

Thuốc được chuyển hóa và khử độc kém do hoạt động của gan ở NCT đã yếu đi.

Do lượng máu đi qua thận và tốc độ lọc của thận đã giảm, khả năng thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể NCT đã giảm dễ đưa đến tình trạng tích lũy thuốc và dẫn đến ngộ độc thuốc.

Cần lưu ý khi dùng thuốc ở NCT

NCT cần sử dụng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Chỉ có bác sĩ hiểu rõ đặc điểm của bệnh tật và có thẩm quyền ấn định liều lượng, chế độ khoảng cách dùng thuốc thích hợp. Hoàn toàn không nên tự chẩn đoán và tự điều trị. Cũng như không nên nghe lời mách bảo, tìm đọc trong sách báo dùng thêm thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

Nếu NCT có nguy cơ bị sút giảm trí nhớ thì không nên để các cụ tự dùng thuốc mà nên có người thân chăm lo, giữ và cho dùng thuốc theo giờ giấc quy định… Đã có trường hợp các cụ ngộ độc thuốc vì không nhớ đã uống thuốc rồi và cứ uống thêm nhiều lần nữa, hoặc có cụ uống thuốc loại dạng thuốc nhỏ giọt quá liều do đếm sai.

Một số NCT có các triệu chứng không điển hình của một bệnh lý nào đó. Nguyên nhân có thể do tuổi già nhưng cũng có thể do thuốc gây ra. Cần theo dõi sát và lưu ý đặc biệt một số rối loạn do thuốc gây ra như: Lú lẫn, trầm uất, táo bón, tiêu tiểu không tự chủ, hạ huyết áp thế đứng (có thể làm ngã quỵ bất thần)… Sau khi dùng thuốc, nếu thấy các cụ có những biểu hiện bất thường nên báo ngay cho bác sĩ điều trị.

TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Trường Đại học Y dược TP. HCM)

http://www.suckhoedoisong.vn

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

                                                 GIỜ THỨ 25

Một ngày kia, trong sự buồn sầu, các Thiên Thần thưa với Thiên Chúa:

- Nhân loại ngày nay hầu như đã quên hẳn sự cầu nguyện.

Cố vấn của Thiên Quốc liền hỏi các Thiên Thần nguyên do tại sao. Các Thiên Thần lần lượt trình bày:

- Nhân loại biết họ thiếu sót trong vấn đề cầu nguyện và cũng thường hối tiếc về điều đó. Nhưng họ than là không có thời gian để cầu nguyện.

Nghe vậy, cả triều thần Thiên Quốc lấy làm sửng sốt vì một ngày dài 24 tiếng đồng hồ mà vẫn còn thiếu. Họ đề nghị: Để ngăn chặn sự xuống dốc này của nhân loại, chúng ta hãy suy nghĩ và tìm một giải pháp thích hợp. Thế là cả Thiên Quốc hăng say đưa ra các biện pháp làm sao giúp nhân loại tránh được đời sống qúa tiện nghi, chạy theo vật chất, hay trừng phạt thật nặng nề như lũ lụt, v.v... Nhưng có một Thiên Thần lên tiếng:

- Xin Thiên Chúa cho ngày dài thêm ra một tiếng đồng hồ nữa, xem họ còn than trách không có giờ cho sự cầu nguyện không?

Đề nghị này cả Thiên Quốc thấy hay, và Thiên Chúa đã cho ngày dài hơn một tiếng. Giờ thứ 25 này được gọi là “giờ của Chúa”.

***

Nhưng trái với sự chờ đợi, vì vẫn không có nhiều lời cầu nguyện hơn. Các Thiên sứ lại được phái xuống trần gian để thăm dò tin tức. Sau thời gian rảo bước khắp nơi, các Thiên Thần trở về Thiên Quốc để báo cáo về tình hình hiện nay của nhân loại. Một vị kể lại:

Các nhà kinh doanh than vì thay đổi giờ nên cả tổ chức phải đổi lại, gây ra tốn kém và cần giờ để ổn định lại. Còn các công đoàn tỏ ra hài lòng vì họ đã đòi hỏi từ lâu điều thêm giờ này. Và giờ thêm này phải dành cho công nhân nghỉ ngơi. Các chính trị gia và các nhà trí thức bàn luận rất sôi nổi và kết luận: Không có ai có quyền bắt buộc người công dân phải làm gì với một giờ nào đó.

Một số người còn đi xa hơn là khi “ở trên” làm ra giờ 25 đã không hỏi ý kiến “ở dưới”, vì vậy không chấp nhận được.

Và cứ như thế, hầu như ai cũng có một lý do để giải thích vì sao không thể dùng một giờ có thêm để cầu nguyện. Sau cùng có một Thiên Thần kể về một số người. Đó là những người đón nhận thời giờ được có thêm để tham dự thánh lễ, để phục vụ cho tha nhân và cầu nguyện. Họ cảm thấy dễ dàng hơn vì có thêm giờ. Nhưng các Thiên Sứ rất ngạc nhiên vì khám phá ra rằng: những người này cũng là những người khi một ngày còn 24 tiếng, họ vẫn có đủ thì giờ để cầu nguyện.

Vì vậy trên Thiên Quốc nhận ra là thời gian không mang lại thêm người cầu nguyện. Sự cầu nguyện là tình yêu. Lý do con người không cầu nguyện không phải vì không có thời gian, nhưng là sự liên quan giữa con người với Thiên Chúa bị lãng quên. Nếu có tình yêu thì dù không có giờ người ta cũng tìm ra giờ cho người mình thương mến.

Và các Thiên Thần xin Thiên Chúa cho ngày trở lại bình thường.

Một năm với 365 ngày và mỗi ngày có 24 giờ. Mỗi người chúng ta bắt đầu làm tính cộng trừ nhân chia, xem mỗi ngày chúng ta dành thời gian cho đời sống cầu nguyện được bao nhiêu. Qua đó chúng ta biết được sự liên hệ giữa ta với Thiên Chúa như thế nào.

Sưu tầm

***

Lạy Chúa, bước ra đường con gặp không biết bao nhiêu người.

Họ về, họ đến, họ đi, họ chạy.

Xe hai bánh chạy.

Xe bốn bánh chạy.

Xe cam-nhông chạy.

Cả thành phố chạy.

Các con đường chạy.

 

Tất cả mọi người chạy.

Họ chạy để khỏi mất thì giờ.

Họ chạy theo thời gian,

Ðể lấy lại thời giờ đã mất,

Ðể lời nhiều thì giờ hơn.

Hết mọi người đều bảo là không có thì giờ.

 

Nhưng lạy Chúa, con có thời giờ.

Con có thì giờ riêng của con.

Tất cả thời giờ mà Chúa đã ban cho con,

Những năm tháng của đời sống con;

Những ngày của của năm tháng con,

Những giờ của ngày sống con,

Tất cả đều thuộc về con.

 

Con có phận sự phải dùng nó cho đầy đủ trong bình tĩnh và yên lặng.

Dùng nó cho trọn vẹn, cho tới phút cuối cùng.

Ðể dâng lên cho Chúa hầu Chúa làm lợi cho kẻ khác.

Chiều nay, lạy Chúa, con không xin Chúa ban cho con thêm thời giờ để làm sự này hay sự khác.

Con chỉ xin Chúa cho con được ơn này là ơn biết dùng nên thời giờ Chúa ban cho con, để tận tình làm những việc mà Chúa muốn con làm..

Michel Quoist, Prières

Mục lục